Tàu bay dạng khí cầu tốc độ 100km/h của Trung Quốc
AS700, tàu bay dân dụng dạng khí cầu có người lái do Trung Quốc tự phát triển, thực hiện thành công chuyến bay bàn giao đầu tiên hôm 30/3.
Tàu bay AS700 cất cánh từ thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, lúc 6h04 sáng ngày 30/3 (giờ Hà Nội) và hạ cánh thuận lợi xuống thành phố Kinh Châu cũng thuộc tỉnh Hồ Bắc sau chuyến bay kéo dài 106 phút. Nó chỉ lưu lại một thời gian ngắn rồi trở về Kinh Môn, hoàn thành chuyến bay bàn giao (hay ferry flight, chuyến bay nhằm đưa máy bay về căn cứ, giao cho khách hàng, hoặc di chuyển giữa các cơ sở) đầu tiên.
Tàu bay dân dụng dạng khí cầu có người lái AS700. (Ảnh: AVIC)
Đơn vị phát triển AS700 là Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), nhà sản xuất máy bay hàng đầu của nước này. Sử dụng thiết kế khoang đơn với thiết bị hạ cánh đơn điểm, AS700 được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch trên không, cứu hộ khẩn cấp và cung cấp các dịch vụ đô thị. Mẫu tàu bay mới có trọng lượng cất cánh tối đa 4.150 kg, tầm bay tối đa 700km và thời gian bay tối đa 10 tiếng. Phương tiện này chở được tối đa 10 người, trong đó có một phi công, với tốc độ tối đa 100km/h.
Chuyến bay hôm 30/3 giúp xác minh hiệu suất của AS700 một cách toàn diện. "Chuyến bay đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được chỉ định, kiểm chứng đầy đủ khả năng liên lạc trên không - mặt đất, khả năng cất hạ cánh ở các địa điểm khác nhau. Chuyến bay cũng giúp kiểm tra khả năng hỗ trợ của đội kỹ thuật", Zhou Lei, nhà thiết kế trưởng của dự án tàu bay có người lái AS700, cho biết.
Với công nghệ điều khiển vectơ đẩy, tàu bay có thể cất hạ cánh thẳng đứng ở những không gian hẹp, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành vì đất hiện nay rất đắt đỏ, theo Lin Hong, phi công của chuyến bay hôm 30/3.
AS700 nhận được chứng chỉ từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vào tháng 12/2023, trở thành tàu bay dân dụng dạng khí cầu đầu tiên của nước này được phát triển và chứng nhận độc lập. Theo Du Wei, quản lý dự án tàu bay có người lái AS700, họ đã nhận được khoảng 20 đơn đặt hàng, trong đó chiếc đầu tiên dự kiến được giao vào cuối năm nay. Du cho biết, nhóm dự án hướng tới mục đích sử dụng chính là ngắm cảnh ở độ cao thấp và hy vọng sẽ mở rộng ứng dụng sang các lĩnh vực như cứu hộ khẩn cấp, dịch vụ công cộng đô thị.

Công nghệ tàng hình là gì? Nó hoạt động thế nào?
Bạn đã từng nghe đến máy bay tàng hình, tàu ngầm tàng hình nhưng bạn có biết nghĩa của tàng hình ở đây thực sự là gì?

Pin làm từ vật liệu có một không hai này sẽ sớm thay thế pin lithium-ion trên ô tô điện
Pin lithium-ion có quá nhiều ưu điểm nhưng lại rất khó phân hủy, gây ra tác động lớn đến môi trường.

Các nhà khoa học đã thành công tạo ra chùm tia nguyên tử “vĩnh cửu”
Tiến bộ trong vật lý lượng tử đã cho phép các nhà vật lý tạo ra chùm nguyên tử hoạt động giống như một tia laser mà trên lý thuyết có thể tồn tại “mãi mãi”.

Phát hiện đột phá về công nghệ tạo ra điện Mặt trời vào ban đêm
Với việc chứng minh có thể sản xuất điện Mặt trời vào ban đêm, các nhà khoa học Australia đã đạt được bước đột phá về công nghệ năng lượng tái tạo.

Công nghệ nano và những ứng dụng của công nghệ nano
Thuật ngữ công nghệ Nano (nano technology) chỉ việc nghiên cứu, học tập, tổng hợp và sử dụng các loại vật liệu, thiết bị hay kể cả các hệ thống có kích thước cỡ nano (1 phần tỷ mét).

Nano trong một thế giới cực nhỏ
Khoa học và công nghệ nano (nanoscience and nanotechnology) là một bộ môn khảo sát, tìm hiểu đặc tính những vật chất cực nhỏ, để thao tác (manipulate), chồng chập những vật chất này, xây dựng vật thể to hơn.
