Tàu NASA chụp ảnh tàu Trung Quốc ở phía xa Mặt trăng
Tàu Quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (LRO) chụp bức ảnh đầu tiên về tàu Hằng Nga 6, cho thấy bề mặt Mặt trăng thay đổi sau vụ hạ cánh.
Tàu đổ bộ Hằng Nga 6 nằm giữa hai hố trũng có kích thước tương đương chính nó và nằm trên rìa của một hố trũng bị xói mòn với đường kính khoảng 50m, theo Mark Robinson, người phụ trách chính của hệ thống camera trên tàu LRO.
Tàu NASA đang bay trên quỹ đạo Mặt trăng, phát hiện tàu đổ bộ trong vùng lòng chảo Apollo ở phía xa của Mặt trăng vào ngày 7/6, khoảng 5 ngày sau khi nó hạ cánh. Con tàu xuất hiện dưới dạng cụm sáng nhỏ ở trung tâm bức ảnh.
Khu vực phía xa Mặt trăng trước (trái) và sau khi tàu Hằng Nga 6 hạ cánh (phải). (Ảnh: NASA/Goddard/Đại học bang Arizona)
Nhóm phụ trách camera LRO tính toán, tọa độ điểm hạ cánh của tàu Hằng Nga 6 là -41,6385 độ vĩ bắc, 206,0148 độ kinh đông, ở độ cao -5.256 m so với bề mặt Mặt trăng trung bình, độ chính xác theo phương ngang ước tính là cộng trừ 30m.
"Địa hình xung quanh tàu đổ bộ sáng lên do những xáo trộn từ động cơ, tương tự như vùng tác động xung quanh các tàu đổ bộ Mặt trăng khác", nhóm này cho biết. Các chuyên gia cũng công bố ảnh chụp khu vực hạ cánh vào ngày 3/3/2022 để làm rõ sự khác biệt trước và sau khi tàu Hằng Nga 6 đáp xuống.
Bãi đáp của Hằng Nga 6 nằm trong "biển Mặt trăng" - một vùng đá núi lửa nguội bằng phẳng - ở rìa phía nam của vùng lòng chảo Apollo. Robinson và các đồng nghiệp tại Đại học Bang Arizona cho biết, dung nham bazan phun trào ở phía nam miệng hố Chaffee S khoảng 3,1 tỷ năm trước và chảy xuống phía đông cho đến khi gặp phải một cấu trúc cao.
"Một số gờ nhăn ở khu vực này đã làm biến dạng và nâng cao bề mặt biển Mặt trăng. Địa điểm hạ cánh nằm ở khoảng giữa hai gờ nhăn như vậy", nhóm chuyên gia giải thích.
Tổ hợp tàu Hằng Nga 6 phóng lên từ tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, ngày 3/5, với mục tiêu lần đầu tiên mang mẫu vật từ phía xa Mặt trăng về Trái đất. Khi hoàn thành thu thập mẫu vật, phương tiện phóng đã mang theo hàng hóa quý giá này rời khỏi bề mặt Mặt trăng ngày 3/6. Sau đó, nó ghép nối thành công với tàu quỹ đạo và chuyển mẫu vật vào khoang hồi quyển. Khoang hồi quyển tiếp tục bay quanh Mặt trăng, chờ đến thời điểm thích hợp để bắt đầu hành trình trở về Trái đất.
Khoang này dự kiến đáp xuống Trái đất khoảng ngày 25/6. Nhờ sự trợ giúp của dù, nó sẽ hạ cánh xuống địa điểm chỉ định tại Siziwang Banner, Khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, kết thúc nhiệm vụ không gian kéo dài 53 ngày.
- Robot bí mật trong nhiệm vụ Mặt trăng của Trung Quốc
- Trung Quốc cắm cờ trên vùng tối Mặt trăng
- Tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc đi vào quỹ đạo Mặt Trăng