Tàu thăm dò của NASA ghi lại khoảnh khắc Mặt trời nuốt chửng hai sao chổi

Thước phim của tàu thăm dò SOHO của NASA ghi lại "cái chết" của hai sao chổi bay gần Mặt trời vào ngày 22/10.


Hai sao chổi đâm vào Mặt trời trong cùng một ngày. (Video: NASA)

Tàu vũ trụ Đài quan sát Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng vào năm 1995 ghi hình hai sao chổi "Kreutz sungrazer" lao thẳng vào Mặt trời. Nhà nghiên cứu Karl Battams ở Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân Mỹ, cho biết, sao chổi hôm 22/10 đi kèm với một sao chổi nhỏ hơn bay ở phía trước.

Theo Tabare Gallardo, nhà thiên văn học ở Đại học Cộng hòa tại Uruguay, điều khiến sao chổi Kreutz khác thường là tất cả chúng có cùng quỹ đạo, vì vậy, giới nghiên cứu cho rằng chúng là mảnh vỡ của một sao chổi mẹ. Đó là sao chổi lớn xuất hiện năm 371 trước Công nguyên, sáng hơn mọi ngôi sao trên bầu trời. Các nhà khoa học ước tính sao chổi này có đường kính hơn 114km.


Sao chổi Kreutz sungrazer di chuyển quanh Mặt trời theo quỹ đạo hình elip hoặc hyperbol.

SOHO đã quan sát hơn 4.000 sao chổi Kreutz rơi xuống Mặt trời. Sao chổi Kreutz sungrazer di chuyển quanh Mặt trời theo quỹ đạo hình elip hoặc hyperbol. Một đầu của quỹ đạo elip hoặc hyperbol là đầu gần Mặt trời nhất. Khoảng cách giữa đầu đó và tâm Mặt trời là khoảng cách cận nhật. Nếu khoảng cách cận nhật nhỏ hơn bán kính Mặt trời, nhân sao chổi sẽ lao vào ngôi sao, theo Lubos Neslusan, nhà thiên văn học ở Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia.

Khi sao chổi đâm vào Mặt trời, chúng bốc hơi do nhiệt độ bề mặt nóng chảy, lên tới 5.505 độ C. "Không ai biết chính xác điều gì xảy ra với vật chất rơi xuống Mặt trời, nhiều khả năng chúng phân rã hoàn toàn", Gallardo nói.

Phần lớn sao chổi khác bay theo quỹ đạo tròn hơn quanh Mặt trời nên ít có khả năng đâm vào ngôi sao hơn, ít nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuối cùng chúng vẫn sẽ bị Mặt trời nuốt chửng và ước tính quá trình này kéo dài hàng triệu năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất