Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc tìm thấy tàn tích đại dương cổ xưa

Manh mối về đường bờ biển tồn tại trên sao Hỏa 3,5 tỷ năm trước được hé lộ qua lớp đá trầm tích và sự phân lớp địa tầng vừa được phát hiện.

Theo SCMP, tàu thám hiểm tự hành sao Hỏa Chúc Dung (Zhurong) của Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) có thể đã tìm thấy bằng chứng về đường bờ biển trong sứ mệnh tại Hành tinh Đỏ.


Tàu thám hiểm tự hành Zhurong hoạt động trên bề mặt sao Hỏa (Ảnh: SCMP).

Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, dựa vào dữ liệu thu thập được trong quá trình tàu thám hiểm thực hiện sứ mệnh Thiên Văn 1 (Tianwen 1).

Chúc Dung phát hiện ra các mẫu đất đá ở phía Nam Utopia Planitia (một địa điểm trên sao Hỏa), cho thấy khu vực này được chia thành 3 phần với độ sâu khác nhau.

Tại đó, hệ thống chia rõ các cấu trúc địa lý tựa như vùng biển nông, sau đó dần mở rộng xuống khu vực thấp hơn. Điều này củng cố giả thuyết rằng khu vực này từng được bao phủ bởi đại dương rộng lớn, xuất phát từ đường bờ biển trải dài trên bề mặt sao Hỏa.

"Đường bờ biển này nhiều khả năng là tàn tích còn lại của một đại dương cổ đại, tồn tại cách đây khoảng 3,5 tỷ năm", nhóm nghiên cứu chia sẻ trên tạp chí Scientific Reports.

"Việc phát hiện ra đá trầm tích và sự phân lớp địa tầng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các hoạt động của nước lỏng trong quá khứ trên sao Hỏa".

Giáo sư Wu Bo, Giám đốc Phòng thí nghiệm viễn thám hành tinh tại PolyU cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thành công trong việc đưa ra một kịch bản giải thích cách đại dương được hình thành trên Hành tinh Đỏ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây là nghiên cứu quan trọng, bổ sung thêm kiến thức của nhân loại về sự hình thành của nước trên sao Hỏa kéo dài suốt hàng thập kỷ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất