Tàu vũ trụ NASA phát hiện tiểu hành tinh phun đá
Tàu OSIRIS-Rex bay sát tiểu hành tinh Bennu nhưng không gặp nguy hiểm do các mảnh đá bắn lên rất nhỏ và xác suất va chạm thấp.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA phát hiện tiểu hành tinh Bennu thường xuyên phóng ra những mảnh đá nhỏ, theo loạt nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Planets hôm 9/9. Đây là lần đầu tiên giới khoa học quan sát gần một tiểu hành tinh phun đá.
Một số đợt phun đá trên tiểu hành tinh Bennu. (Video: NASA).
Đợt phun đá đầu tiên mà OSIRIS-REx ghi nhận được diễn ra vào tháng 1/2019, không lâu sau khi con tàu đến Bennu. Carl Hergenrother, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Arizona, phát hiện sự kiện này một cách tình cờ.
Hergenrother đang xem xét các ảnh chụp chòm sao của OSIRIS-REx thì thấy dường như có thêm hàng trăm ngôi sao mới xuất hiện. Sau khi nghiên cứu kỹ hơn, ông nhận ra đó là đá bắn ra từ Bennu. "Tôi chỉ chú ý vì có 200 đốm sáng ở nơi đáng lẽ chỉ có khoảng 10 ngôi sao", ông nói.
Theo NASA, OSIRIS-REx vẫn an toàn dù bay sát tiểu hành tinh Bennu. "Không gian trống trải đến mức kể cả khi tiểu hành tinh ném ra hàng trăm mảnh đá, xác suất một trong số đó va vào con tàu cũng cực kỳ thấp. Thậm chí nếu điều đó xảy ra, phần lớn đá cũng không đủ nhanh hoặc đủ lớn để làm hư hại con tàu", Hergenrother giải thích.
Lý do các nhà khoa học trước đây chưa từng phát hiện sự kiện phun đá vì hầu hết các mảnh đá quá nhỏ để nhìn thấy từ Trái đất. "Toàn bộ 200 mảnh đá mà chúng tôi quan sát được trong đợt phun đầu tiên kể từ khi OSIRIS-Rex tới Bennu sẽ xếp vừa lên một viên gạch kích thước 10 cm x 10 cm. Việc chúng tôi có thể nhìn thấy chúng cho thấy khả năng tuyệt vời của các camera", Hergenrother nói.
Hiện tượng phun đá thường xảy ra trong khoảng hai tiếng vào buổi chiều và tối trên tiểu hành tinh Bennu.
Từ khi tàu OSIRIS-REx đến Bennu, nhóm nghiên cứu đã quan sát hơn 300 đợt phun đá. Trong khi một số mảnh văng ra ngoài không gian, một số bay quanh Bennu trong thời gian ngắn, hầu hết sẽ rơi trở lại bề mặt tiểu hành tinh. Hiện tượng phun đá thường xảy ra trong khoảng hai tiếng vào buổi chiều và tối, theo thời gian trên Bennu.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể gồm sự phun hơi nước, tác động của những thiên thạch nhỏ đâm xuống và đá nứt vỡ do nhiệt độ thay đổi. Hai nguyên nhân cuối có thể phù hợp nhất.
Bennu hoàn thành một vòng quay quanh trục mỗi 4,3 tiếng nên đá trên bề mặt tiểu hành tinh này trải qua chu kỳ thay đổi nhiệt liên tục, nóng lên vào ban ngày và nguội đi vào ban đêm. Qua thời gian, đá nứt nẻ và vỡ ra, cuối cùng có thể dẫn đến các mảnh vỡ bắn lên.
Thời điểm xảy ra sự kiện phun đá cũng khớp với thời điểm các thiên thạch đâm xuống Bennu. Như vậy, có khả năng những vụ va chạm nhỏ này cũng làm đá trên bề mặt tiểu hành tinh bắn lên. Ngoài ra, với môi trường vi trọng lực trên Bennu, vật thể phóng lên từ bề mặt tiểu hành tinh này không cần nhiều năng lượng.