Tên lửa SpaceX phân rã trên khí quyển sau 5 năm

Tầng thứ hai của Falcon 9, tên lửa phóng năm 2017, rơi trở lại khí quyển và cháy rụi hoàn toàn trước khi chạm tới mặt đất.


Tầng tên lửa Falcon 9 cháy rụi trên bầu trời Mexico. (Video: Twitter/Frontera Espacial)

Tầng trên của tên lửa Falcon 9 (SpaceX) có vẻ đã phân rã an toàn trên bầu trời miền bắc Mexico hôm 6/2. Đây là tên lửa dùng để đưa vệ tinh Echostar 23 lên không gian vào tháng 3/2017.

SpaceX và CEO Elon Musk hiện chưa phản hồi về sự việc. Tuy nhiên, Aerospace Corporation, tổ chức của Mỹ chuyên theo dõi quá trình hồi quyển của các vệ tinh và phương tiện vũ trụ, đã xác nhận việc tầng tên lửa Falcon 9 rơi trở lại khí quyển.

Vệ tinh Echostar 23 được phóng tới quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh ở độ cao khoảng 35.900 km, hướng đến vị trí phía trên đường xích đạo ở 45 độ kinh Tây. Nhiệm vụ của nó là cung cấp dịch vụ phát sóng, Internet và các dịch vụ liên lạc khác cho Brazil. Vệ tinh này vẫn đang hoạt động và dự kiến tồn tại trong ít nhất một thập kỷ nữa, theo NASA.


Tầng tên lửa Falcon 9 rơi trở lại khí quyển.

Tầng tên lửa hay các loại rác vũ trụ khác rơi xuống khí quyển Trái Đất và cháy rụi không phải việc bất thường. Năm ngoái, một tầng tên lửa Falcon 9 cũng phân rã trên bầu trời thành phố Seattle, Mỹ, theo cách tương tự.

Một tầng tên lửa SpaceX khác được dự đoán sắp đâm vào Mặt Trăng. Đây là tầng đẩy của tên lửa Falcon 9, trôi nổi trên quỹ đạo kể từ khi SpaceX phóng vệ tinh thời tiết vũ trụ năm 2015. Do Mặt Trăng không có khí quyển dày như Trái Đất nên nhiều khả năng vụ va chạm sẽ tạo ra một hố trũng mới. Nếu vậy, những tàu vũ trụ đang quay quanh Mặt Trăng như Lunar Reconnaissance Orbiter (NASA) và Chandrayaan-2 (Ấn Độ) có thể quan sát chiếc hố này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất