Tên lửa tái sử dụng SpaceX lập hai kỉ lục trong một ngày
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa số lượng nhiều kỷ lục là 64 vệ tinh vào quỹ đạo cùng một lúc. Ngoài ra, hãng còn ghi dấu vào lịch sử khi phóng cùng một tên lửa vào không gian ba lần.
Những buổi phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ luôn là những phút giây hồi hộp vì chỉ cần một trục trặc hoặc sơ sót nhỏ là tất cả đều tan thành mây khói. Chưa kể tới chi phí của một chiếc tên lửa đẩy là vô cùng đắt giá. Vì vậy lần phóng tên lửa mới đây của SpaceX là cả một thành công lớn, một thành công gấp đôi.
Toàn cảnh buổi phóng thành công tên lửa Falcon 9 mang theo tới 64 vệ tinh.
Lý do để được giới truyền thông đánh giá là thành công gấp đôi vì ngoài việc phóng hoàn hảo, tầng một của chiếc tên lửa đẩy Falcon 9 này trước đó đã bay tới 2 lần. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, một lần nữa tầng một của Falcon 9 lại được thả rơi và đáp xuống nghỉ ngơi trên một chiếc xà lan tự động đang chờ đón sẵn trên mặt đại dương.
Điều này chứng tỏ các công nghệ của SpaceX nhằm tái sử dụng nhiều lần tầng một đắt tiền cho tên lửa đẩy để thực hiện các vụ phóng mới giờ đây dường như đã được kiểm soát hoàn hảo, và như vậy là tầng một này có khả năng sẽ bay thêm ít nhất một lần nữa. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng cuộc hạ cánh nhẹ nhàng của tầng một này trong video clip phát lại buổi phóng vào phút thứ 27.
Hiện nay, SpaceX đang cố gắng hoàn thiện một phần công nghệ khác của mình nhằm có thể thu hồi lại chiếc nắp của tên lửa. Đây là thiết bị có nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh khỏi lực ma sát rất mạnh của bầu khí quyển trong giai đoạn phóng lên và sau đó được thả rơi khi đạt tới độ cao nhất định. SpaceX hy vọng sẽ thu hồi được chiếc nắp này bằng một tấm lưới lớn căng rộng trên một con tàu mang tên Mr. Steven sau khi rơi xuống. Tuy nhiên, trong kế hoạch hoàn hảo này vẫn có chút thất bại. Chiếc nắp của Falcon 9 bị trượt khỏi lưới, nhẹ nhàng rơi xuống biển và sau đó mới được vớt lên tàu.
Theo công bố của giám đốc SpaceX Elon Musk trong buổi phóng, có tới 64 vệ tinh đã được triển khai theo kế hoạch bay. Trong số đó có 15 vệ tinh micro và 49 vệ tinh nano thuộc 34 tổ chức khác nhau, từ các công ty thương mại đến các trường đại học.
Tất cả các vệ tinh nhỏ bé đã được phóng này đều có chức năng tương tự như những vệ tinh lớn đã được đưa lên vũ trụ trước đó, thậm chí còn ở độ cao hơn nhiều. Nhưng những tiến bộ trong công nghệ hiện nay cho phép các vệ tinh cực nhỏ này vẫn có được các dịch vụ giống hệt nhưng với chi phí thấp hơn đáng kể, và các vệ tinh nhỏ này hiện nay đang trở thành một chuẩn mực mới cho ngành không gian vũ trụ.