Tên lửa Vega-C của châu Âu mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng
Sáng 21/12 (theo giờ Việt Nam), tên lửa Vega-C, do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển, đã bị mất liên lạc ngay sau khi rời bệ phóng từ vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana thuộc Pháp trong nhiệm vụ đưa 2 vệ tinh của Airbus lên quỹ đạo.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng tên lửa Vega-C. (Ảnh tư liệu: ESA)
Công ty hàng không vũ trụ Arianespace cho biết, vào lúc 22h47 ngày 20/12 (8h47 ngày 21/12 theo giờ Việt Nam), tức là 10 phút sau khi rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou (Pháp), tên lửa Vega-C đã đi chệch khỏi lộ trình ban đầu và mất liên lạc. Theo Arianespace, sự cố đã xảy ra trong giai đoạn hai của vụ phóng, kết thúc sứ mệnh lần này của Vega-C. Giám đốc công ty Arianespace, ông Stephane Israel, xác nhận: "Sứ mệnh đã thất bại".
Hiện Arianespace đang phân tích các dữ liệu để tìm hiểu nguyên nhân khiến vụ phóng không thành công. Dữ liệu ban đầu cho thấy không phát hiện bụi phóng xạ sau khi tên lửa Vega-C rời bệ phóng.
Tên lửa Vega-C được phóng lên vũ trụ để đưa 2 vệ tinh quan sát Trái đất, do Tập đoàn Airbus chế tạo, vào quỹ đạo nhằm cung cấp những hình ảnh chất lượng cao về tất cả các địa điểm trên Trái đất với tần suất vài lần mỗi ngày.
Vụ phóng lần này là chuyến bay thương mại đầu tiên của tên lửa Vega-C sau lần phóng đầu tiên thành công vào ngày 13/7 vừa qua. Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 24/11 nhưng đã bị hoãn lại 1 tháng do trục trặc kỹ thuật ở bệ phóng. Đây là vụ phóng thứ 5 và cũng là vụ phóng cuối cùng tại Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou trong năm nay.
Theo ESA, tên lửa Vega-C là một phiên bản vượt trội so với tên lửa Vega thế hệ trước. Tầng đầu tiên P120C của Vega-C dựa trên phiên bản P80 của tên lửa Vega. Module tầng trên Attitude Vernier (AVUM+) của tên lửa Vega-C đã được tăng khả năng chứa nhiên liệu lỏng để có thể đưa hàng hóa, con người, vũ khí, hoặc các tàu vũ trụ lên nhiều quỹ đạo tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, cũng như cho phép tên lửa hoạt động lâu hơn trong không gian và có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ.
Dự kiến, phiên bản tên lửa mới, mang tên Vega-E, sẽ ra mắt năm 2026.
- Tại sao các nhà khoa học nhiều nước chọn trạm Thiên Cung của Trung Quốc để nghiên cứu?
- Nghiên cứu quốc tế: Đồng bằng sông Cửu Long mất cả trăm triệu tấn phù sa mỗi năm
- Bầu trời Trái đất nứt đôi vì tác động vũ trụ, ánh sáng hồng cam tràn ngập