Thằn lằn có nguy cơ tuyệt chủng
Khoảng 20% số loài thằn lằn trên trái đất có thể biến mất vĩnh viễn bởi tình trạng ấm lên toàn cầu, gây nguy cơ bùng phát các loại côn trùng.
Những con cự đà trên đảo Aruba, Venezuela. Ảnh: worldzootoday.com.
Rồng komodo, tắc kè, cự đà và nhiều loài thằn lằn khác sinh sống ở khắp nơi trên trái đất, trừ Nam Cực. Nhưng một nghiên cứu mới đây về số lượng thằn lằn cho thấy biến đổi khí hậu đang gây nên tác động đáng sợ đối với chúng.
Telegraph cho biết, giáo sư Barry Sinervo - một nhà sinh học tiến hóa của Đại học California, Mỹ - cùng nhiều nhà khoa học sử dụng một mô hình để dự đoán những nguy cơ mà các loài thằn lằn đã và sẽ đối mặt bởi sự gia tăng nhiệt độ của trái đất. Mô hình này từng dự đoán chính xác sự biến mất của nhiều loài thằn lằn tại Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi và Australia.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy số lượng loài của thằn lằn bắt đầu giảm kể từ năm 1975 do nhiệt độ tăng. Không có bất kỳ loài thằn lằn nào tuyệt chủng vì mất nơi sinh sống, bởi chúng được bảo vệ trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Biến đổi khí hậu là thủ phạm chính", Sinervo nói.
Nhà sinh học cho rằng nếu tốc độ biến mất của thằn lằn vẫn tiếp tục như hiện nay, chúng sẽ tuyệt chủng trong tương lai không xa.
"20% thằn lằn sẽ biến mất hoàn toàn trước năm 2080 trừ khi loài người giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính", ông tuyên bố.
Đối với nhiều người thằn lằn không phải là những con vật đáng chú ý, song trên thực tế chúng có tầm quan trọng to lớn đối với các hệ sinh thái. Nếu thằn lằn biến mất, các loài côn trùng - thức ăn chính của chúng - sẽ bùng phát về số lượng. Những loài săn bắt thằn lằn như chim, rắn cũng sẽ bị đẩy vào tình cảnh nguy khốn vì thiếu thức ăn.
Theo Newscientist, giới sinh học cảnh báo 1/3 số loài động vật bò sát đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.