Thành phố cổ hé lộ nguồn gốc nền văn minh Trung Quốc
Các nhà khảo cổ xác nhận di chỉ Song Hòe Thụ tại thành phố Trịnh Châu ở Hà Nam là cố đô của vương quốc Hà Lạc có niên đại 5.300 năm.
Gu Wanfa, viện trưởng Viện Di chỉ Văn hóa và Khảo cổ Trịnh Châu cho biết, các nhà khảo cổ đề xuất gọi tên quốc gia cổ đại là Hà Lạc do nằm ở vị trí sông Hoàng Hà (hay còn gọi là sông Hà ở Trung Quốc thời xưa) và sông Lạc Hà giao nhau.
"Những phát hiện khảo cổ quan trọng ở di chỉ là minh chứng cho tính tiêu biểu và tầm ảnh hưởng của vùng Hà Lạc trong giai đoạn hoàng kim cách đây 5.300 năm, cung cấp bằng chứng về nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc", Wang Wei, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc kiêm chủ tịch Hiệp hội Khảo cổ Trung Quốc, nhận định.
Nằm ở bờ nam của sông Hoàng Hà tại thị xã Củng Nghĩa thuộc Trịnh Châu, di chỉ Song Hòe Thụ là một trong những phát hiện khảo cổ lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Di chỉ có chiều dài khoảng 1.500m từ đông sang tây và rộng 780m từ bắc tới nam, bao phủ khu vực rộng 1,17 triệu m2. Theo Gu, một lượng lớn cổ vật từ nền văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại 5.000 - 7.000 năm được phát hiện ở tàn tích thành phố cổ, bao quanh bởi 2 hào nước hình tròn khổng lồ, tạo thành hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt.
Một phần khu đất nơi các nhà khảo cổ đang khai quật. (Ảnh: CGTN).
Wang cho rằng nền văn minh Ngưỡng Thiều tập trung ở di chỉ Song Hòe Thụ là gốc rễ của văn hóa Hoàng Hà. Ở tàn tích thành phố, khi dân cư trung tâm với 4 dãy nhà nằm ở phía bắc của hào nước trong cùng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy 3 nghĩa trang với hơn 1.700 ngôi mộ, 3 hài cốt hiến tế, một di tích thiên văn học, một xưởng gốm sứ, một khu chứa nước, hệ thống đường và nhiều công trình khác.
Một đồ vật đáng chú ý trong số những cổ vật được khai quật là chiếc ngà lợn rừng chạm khắc hình con tằm, dài 6,4 cm, rộng gần 1 cm và dày 0,1 cm. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là hình chạm khắc con tằm lâu đời nhất, bằng chứng về nguồn gốc của tơ lụa. Những cư dân ở trung tâm sông Hoàng Hà đã bắt đầu nuôi tằm và dệt lụa cách đây khoảng 5.300 năm.