Thế giới đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng
Dịch Ebola, xuất hiện trở lại ở Tây Phi hồi đầu năm, đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia và các tổ chức y tế hàng đầu báo động.
>>> Tây Phi vật lộn kiểm soát dịch Ebola
Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976.
Dịch Ebola thường xuất hiện từ những ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới. Virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng theo hình thức từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Ebola ở thành phố Kenema, Sierra Leone hôm 25/7. (Ảnh: Reuters)
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.
Dịch Ebola tái bùng phát
Guinea hôm 22/3 thông báo virus Ebola là nguyên nhân một dịch bệnh khi đó hoành hành ở vùng rừng phía nam nước này, với 59 trường hợp tử vong. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 6 tuần trước đó nhưng các chuyên gia không thể nhận dạng bệnh. Sau đó, các nhà khoa học ở thành phố Lyon, Pháp, nghiên cứu mẫu xét nghiệm và xác nhận loại virus chính là Ebola.
Virus Ebola lây lan tới thủ đô Conakry của Guinea 5 ngày sau đó. Hôm 31/3, nhà chức trách Liberia xác nhận có hai trường hợp nhiễm Ebola. Sierra Leone xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Ebola hôm 26/5 và trở thành quốc gia châu Phi thứ ba chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/7 cho biết kể từ tháng 3 đã có 1.323 ca mắc Ebola và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Số trường hợp nhiễm virus Ebola (màu cam) và số ca tử vong (màu đen) tính đến ngày 31/7 ở châu Phi. (Đồ họa: WHO/Reuters.)
Nguy cơ lây lan ra thế giới
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết tình trạng hiện tại ở Guinea, Liberia và Sierra Leone chỉ diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch Ebola.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1/8 thông báo sẽ kiểm tra kỹ đại biểu từ các nước có virus Ebola đến Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Phi tổ chức vào tuần tới.
Đoàn Hòa bình Mỹ (US Peace Corps) hôm 30/7 thông báo rút hàng trăm tình nguyện viên ra khỏi ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hiện tổ chức này có 103 tình nguyện viên trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và sức khỏe tại Guinea, 108 người ở Liberia và 130 người ở Sierra Leone.
Truyền thông Canada cho biết một bác sĩ Canada đã tự nguyện cách ly để đề phòng sau nhiều tuần chữa trị cho bệnh nhân ở Tây Phi. Bác sĩ người Mỹ, làm việc cùng ông, hiện đã bị nhiễm Ebola.
Một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã trang bị và sẵn sàng chữa trị cho bất kỳ bệnh nhân nào mắc Ebola trong 28 quốc gia thành viên. "Chúng tôi không thể loại trừ khả năng người nhiễm bệnh tới châu Âu nhưng EU có biện pháp để theo dõi và kiềm chế bất cứ sự bùng phát nào", nguồn tin nói. Trường hợp cách ly và xét nghiệm âm tính một ca nghi ngờ mắc Ebola ở thành phố Valencia, Tây Ban Nha cho thấy "hệ thống này có tác dụng".
Tân Ngoại trưởng Anh Philip Hammond gọi Ebola là "một mối đe dọa nghiêm trọng". Nhà chức trách Anh trước đó xét nghiệm một người nghi ngờ nhiễm Ebola nhưng kết quả là âm tính. Một cuộc họp khẩn cấp đã quyết định giải pháp tốt nhất là cung cấp "thêm các nguồn lực để giải quyết bệnh dịch tại nơi phát sinh" ở Tây Phi, ông Hammond cho biết thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói họ đang hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn ở khu vực Tây Phi.
Nhà chức trách y tế Thái Lan yêu cầu toàn bộ bệnh viện theo dõi sát các triệu chứng của bệnh nhân, đặc biệt là công dân Thái hoặc khách du lịch từng ở Tây Phi.
Chính quyền Hong Kong công bố các biện pháp kiểm tra đối với những trường hợp nghi ngờ. Trường hợp gần đây nhất là một phụ nữ từ châu Phi tới Hong Kong có nhiều dấu hiệu giống triệu chứng bệnh Ebola nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính.
Thông tin về dịch Ebola phủ kín trang nhất các báo ở Liberia. (Ảnh: AP)
Australia hôm 31/7 cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị trong trường hợp Ebola xuất hiện tại đây. Chính quyền nước này cũng cảnh báo không nên tới Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Liberia thông báo đóng cửa mọi trường học và cho phép nhân viên những cơ quan chính phủ "không quan trọng" nghỉ 30 ngày. Các quốc gia châu Phi như Kenya, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Benin cho biết họ sẽ tăng cường kiểm tra tại các điểm kiểm soát biên giới và sân bay.
Lãnh đạo 4 nước Tây Phi, Guinea, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Nga, hôm 1/8 đã có cuộc gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Chan, ở thủ đô Conakry của Guinea để bắt đầu triển khai kế hoạch 100 triệu USD đối phó với dịch Ebola.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thêm rằng cơ quan này "không khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc giao thương" với Guinea, Liberia hay Sierra Leone. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tổ chức thảo luận với các quan chức y tế trên toàn thế giới để tìm ra biện pháp ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
"Cho đến giờ, (virus Ebola) vẫn chưa tác động đến hàng không thương mại, nhưng chúng ta đang bị ảnh hưởng", Raymond Benjamin, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nói. "Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng".