Thế giới vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử
Ngày 3/7/2023 được xác định là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ công bố ngày 4/7.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi được trong ngày 3/7 đạt 17,01 độ C, vượt qua kỷ lục tháng 8/2016 là 16,92 độ C trong bối cảnh các đợt nắng nóng xảy ra khắp thế giới, Reuters đưa tin.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi được trong ngày 3/7 đạt 17,01 độ C. (Ảnh minh họa).
- Miền Nam nước Mỹ đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây.
- Ở Trung Quốc, một đợt nắng nóng kéo dài vẫn đang hoành hành với nhiệt độ trên 35C.
- Khu vực Bắc Phi cũng ghi nhận mức nhiệt 50 độ C trong một số ngày qua.
- Ngay cả Nam Cực, hiện đang trong mùa đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường. Cơ sở nghiên cứu Vernadsky của Ukraine tại quần đảo Argentina của lục địa Nam Cực gần đây đã phá kỷ lục nhiệt độ trong tháng 7 là 8,7 độ C.
Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto thuộc Viện Môi trường và biến đổi khí hậu Grantham, Đại học Hoàng gia London của Anh, nhận định: “Đây không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng” mà là “bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”".
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu kết hợp với hiện tượng El Nino là nguyên nhân gây ra những hình thái thời tiết cực đoan gần đây.
“Thật không may, điều này là chỉ là khởi đầu của một loạt các kỷ lục mới dự kiến sẽ được thiết lập trong năm nay trong bối cảnh lượng khí thải (carbon dioxide) và khí nhà kính ngày càng tăng cùng với hiện tượng El Nino đẩy nhiệt độ lên mức cao mới”, Zeke Hausfather, nhà nghiên cứu khí hậu tại tổ chức Berkeley Earth, Mỹ, cảnh báo.
Tờ Guardian trích lời Jeni Miller, giám đốc điều hành của tổ chức Liên minh Sức khỏe và Khí hậu Toàn cầu có trụ sở tại California (Mỹ) cho hay: “Người dân trên khắp thế giới đã phải chịu đựng các tác động tiêu cực của khí hậu, từ các đợt nắng nóng, cháy rừng và ô nhiễm không khí cho đến lũ lụt và bão. Sự nóng lên toàn cầu cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất mùa và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, cũng như tình trạng di cư".
“Việc khai thác và sử dụng than, dầu và khí đốt gây hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu”, bà Miller nói thêm, đồng thời kêu gọi các chính phủ trên thế giới phải chuẩn bị để đưa ra cam kết tại hội nghị COP28, dự kiến được tổ chức tại Dubai vào cuối năm nay, nhằm loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi công bằng sang năng lượng tái tạo.
- Bắt được cá trê khổng lồ ở Tây Ban Nha
- Phát hiện cá heo 25 triệu năm tuổi với hàm răng kỳ lạ
- Trí tuệ nhân tạo giúp Trung Quốc định vị được mỏ đất hiếm trải dài hơn 1.000km