Thềm băng lớn bằng thành Rome ở Nam Cực sụp đổ
Nhà khoa học NASA cho biết sự sụp đổ hoàn toàn của thềm băng Conger trong thời gian nhiệt độ cao bất thường là “dấu hiệu của những gì có thể sắp xảy ra”.
Một thềm băng có kích thước tương tự thành Rome đã hoàn toàn sụp đổ ở phía đông Nam Cực trong những ngày có nhiệt độ cao kỷ lục, theo dữ liệu vệ tinh.
Các nhà khoa học cho biết thềm băng Conger, có diện tích bề mặt khoảng 1.200km2, đã sụp đổ vào khoảng ngày 15/3, Guardian đưa tin.
Đông Nam Cực đã chứng kiến nhiệt độ cao bất thường vào tuần trước. Trạm Concordia đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục -11,8 độ C vào ngày 18/3, ấm hơn 40 độ C so với nhiệt độ thường thấy theo mùa. Một dòng sông trong khí quyển giữ nhiệt trên lục địa đã dẫn đến nhiệt độ kỷ lục này.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy thềm băng Conger đã bị vỡ ra khỏi tảng băng trôi C-38 và sụp đổ ở Nam Cực. (Ảnh: USNIC)
Tiến sĩ Catherine Colello Walker, một nhà khoa học tại NASA và Viện Hải dương học Woods Hole, cho biết mặc dù thềm băng Conger tương đối nhỏ, “đây là một trong những sự kiện sụp đổ lớn nhất ở Nam Cực kể từ đầu những năm 2000, khi thềm băng Larsen B tan rã”.
“Rất có thể, điều này sẽ không gây ra những tác động lớn, nhưng đó là dấu hiệu của những gì có thể sắp xảy ra”, tiến sĩ Walker nói.
Thềm băng Conger đã bị thu hẹp từ giữa những năm 2000. Đến ngày 4/3, thềm băng này dường như đã mất hơn một nửa diện tích bề mặt so với các lần đo vào tháng 1.
Peter Neff, thuộc Đại học Minnesota, nói rằng việc nhìn thấy ngay cả một thềm băng nhỏ sụp đổ ở Đông Nam Cực cũng là một điều bất ngờ.
Giáo sư Matt King, lãnh đạo của Australian Centre for Excellence in Antarctic Science, cho biết việc thềm băng Conger bị phá vỡ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mực nước biển.
Ông cho biết may mắn thay, sông băng phía sau Conger nhỏ, vì vậy nó sẽ có "ít tác động đến mực nước biển trong tương lai".
Các thềm băng đóng vai trò quan trọng, nếu không có chúng, băng trong đất liền chảy nhanh hơn vào đại dương, dẫn đến mực nước biển dâng cao.