Thảm họa với hàng tỷ cây tần bì ở Mỹ và Châu Âu: Sâu ngọc lục bảo Đông Á
Trước đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thảm họa xảy ra trên quy mô hệ sinh thái, khi một loài xâm lấn được giới thiệu vào một khu vực mà chúng không hề có thiên địch. Những loài này sẽ phát triển bùng nổ và giết chết một loạt các sinh vật bản địa.
Năm 2018, Trung Quốc đã phải đối mặt với nạn dịch ve sầu, trong khi đó, xén tóc xâm chiếm và làm chết hàng loạt cây anh đào ở Nhật Bản. Ở Australia, một con mèo hoang đơn độc có thể thảm sát cả một đàn mòng biển, trong khi nước này có tới 2 triệu con mèo đi lang thang.
Bọ ngọc lục bảo.
Mới đây nhất, một loài côn trùng bé nhỏ và xinh đẹp vốn chỉ có ở khu vực Đông Bắc Á đã tìm được đường sang Mỹ và Châu Âu. Ở đó, nó đã gây ra một nỗi ác mộng kinh hoàng với loài cây tần bì, một biểu tượng của nhiều thành phố và vùng nông thôn phương Tây.
Đây là câu chuyện về cuộc tây tiến của sâu ngọc lục bảo
Những gì chúng ta biết về loài sinh vật sát thủ này là từ năm 1860, khi một linh mục, nhà tự nhiên học người Pháp Armand David tìm thấy nó ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông đã đem loài sâu có màu ngọc lục bảo này về Pháp, để một nhà côn trùng học tên là Léon Fairmare viết những mô tả ngắn đầu tiên về nó, đăng trên tạp chí Revue d'Entomologie năm 1888.
Đó là một con bọ cánh cứng, có màu xanh lá cây ánh kim, dài khoảng 8,5 mm, bề ngang 1,6 mm. Các nhà khoa học đặt cho nó một danh pháp, Agrilus planipennis. Nhưng với vẻ bề ngoài đặc trưng, loài này thường được gọi là sâu ngọc lục bảo hoặc bọ ngọc.
Bọ ngọc lục bảo là một loài bản địa ở vùng Đông Bắc Á, bao gồm một phần lãnh thổ Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng chỉ chuyên đục thân và ăn lá cây tần bì.
Khi những con bọ ngọc cái đẻ trứng vào vỏ cây tần bì, trứng của chúng sẽ phát triển thành ấu trùng, với vòng đời lên tới 500 ngày. Trong khoảng thời gian này, ấu trùng bọ ngọc sẽ đục sâu vào trong thân tần bì, tạo thành các đường ruỗng, ngăn cản nước và chất dinh dưỡng đi lên từ rễ để nuôi thân cây. Cây tần bì cuối cùng sẽ rụng lá, chết và mục ruỗng.
Qua hàng triệu năm tiến hóa, các loài tần bì bản địa vì vậy đã phát triển nhiều hình thức kháng lại loài sâu này, bao gồm tiết ra các hóa chất như tannin để xua đuổi chúng. Khu vực Đông Bắc Á cũng có nhiều loài thiên địch giết sâu ngọc lục bảo, đặc biệt là một loài ong bắp cày Châu Á chuyên đẻ trứng ký sinh lên bọ ngọc, giết chết chúng từ bên trong.
Với những cán cân tinh tế này của thiên nhiên, quần thể sâu ngọc lục bảo bản địa không thể phát triển mạnh và quần thể tần bì ở các quốc gia đó cũng được bảo vệ. Mọi chuyện chỉ rắc rối khi sâu lục bảo tìm được đường tây tiến sang Mỹ và các nước Châu Âu.
Ấu trùng của bọ ngọc lục bảo.
Chúng chỉ chuyên đục thân và ăn lá cây tần bì.
Năm 2003, một quần thể bọ ngọc đã được tìm thấy ở Moscow. Từ năm 2003 đến năm 2016, loài bọ này đã liên tục lan rộng về phía tây, các nước Liên minh Châu Âu với tốc độ 40 km mỗi năm. Năm 2019, một quần thể sâu ngọc lục bảo đã lan từ Nga sang Ukraine. Dự kiến đến năm 2036, loài bọ này sẽ chiếm lĩnh cả trung tâm Châu Âu.
Và đó là một thảm họa, bởi quần thể các loài tần bì ở Châu Âu rất dễ bị tổn thương trước loài sâu này. Chúng chưa phát triển được các cơ chế kháng bọ ngọc lục bảo hiệu quả. Ngay sau khi xuất hiện ở Đan Mạch, bọ ngọc đã lây nhiễm tới 90% tần bì ở quốc gia này. Việc thiếu vắng các loài thiên địch như ong bắp cày Châu Á cũng khiến quần thể sâu lục bảo phát triển mạnh và phá hại.
Năm 2016, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh thái học còn dự báo bọ ngọc lục bảo có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của tần bì trên toàn Châu Âu. Giá của gỗ tần bì vì thế đang có xu hướng tăng lên khi nguồn cung gỗ chất lượng ngày một suy giảm.
Sự biến mất của tần bì cũng sẽ ảnh hưởng đến 1.000 loài sinh vật xung quanh hệ sinh thái mà nó hỗ trợ, bao gồm 12 loài chim, 55 loài động vật có vú và 239 loài động vật xương sống.
"Hơn 100 loài địa y, nấm và công trùng khác phụ thuộc vào tần bì có khả năng sẽ bị suy giảm hoặc tuyệt chủng nếu tần bì cũng tuyệt chủng", Peter Thomas, một tiến sĩ tại Đại học Keele, Anh Quốc cho biết. "Cảnh quan vùng nông thôn ở Anh từ đó sẽ vĩnh viễn thay đổi".
Bọ ngọc có thể quét sạch tần bì trong 6.000 khu vực đô thị ở Mỹ.
Tại Mỹ, tần bì hiện đang được trồng trong đô thị, đóng góp một phần cảnh quan và chức năng điều chỉnh nhiệt quan trọng cho các thành phố. Tuy nhiên, câu chuyện tương tự như ở Châu Âu cũng đang diễn ra tại lục địa Bắc Mỹ. Tần bì ở đây cũng có nguy cơ tuyệt chủng vì bọ ngọc lục bảo.
Loài côn trùng này được xác định chính thức lần đầu tiên ở Michigan năm 2002. Nhưng các nhà khoa học Mỹ dự đoán có thể chúng đã xâm nhập vào Mỹ từ thập niên 1980. Dù có địa lý tách biệt với Đông Bắc Á, nhưng bọ ngọc lục bảo có thể xâm nhập vào Mỹ thông qua đường biển, trên những con tàu chở hàng.
Những con tàu này thường đóng thùng gỗ bằng tần bì. Và nếu gỗ đó vẫn còn tươi, ấu trùng bọ ngọc lục bảo vẫn có thể sống sót trong đó, cho tới khi chúng sang được Mỹ. Tại đây, loài côn trùng này cũng tìm được một môi trường không có thiên địch, không có ong bắp cày Châu Á và những cây tần bì ở Mỹ thì hoàn toàn không kháng được bọ ngọc lục bảo.
Ở Châu Âu, vì bọ ngọc di chuyển chậm và khuếch tán tự nhiên, nhiều loài tần bì ở đó đã phát triển một số cách đề kháng với loài côn trùng này, dù không được hiệu quả như ở Đông Bắc Á. Nhưng bọ ngọc được đưa vào Mỹ đột ngột, khiến khả năng đề kháng của tần bì ở Mỹ gần như bằng 0.
Kết quả, một lần nữa lặp lại, bọ ngọc lục bảo đi tới đâu thì những cây tần bị gục xuống tại đó. Thống kê cho thấy loài côn trùng này đã giết chết hàng triệu cây tần bì ở Mỹ. Và nó sẽ tiếp tục giết chết 1,4 triệu cây trong vòng 30 năm tới. Con số này đủ để quét sạch 100% tần bị trong 6.000 khu vực đô thị Mỹ.
Các điểm nóng nhất bao gồm New York, Chicago và Milwaukee, những thành phố có nhiều tần bì và đang nằm trên đường xâm lấn của bọ ngọc lục bảo.
Một cây tần bì đang chết trên đường phố Hoa Kỳ.
Càng trong các thành phố, thiệt hại do bọ ngọc lục bảo gây ra càng mạnh, bởi đó là khu vực thiếu các loài thiên địch của côn trùng, ví dụ như chim gõ kiến. "Nhiều khu vực đô thị chỉ trồng độc một loài hoặc một chi tần bì, dẫn đến sự lây lan dễ dàng của loài côn trùng ngoại lai", nhà sinh thái học Frank Koch tại Trạm nghiên cứu phía Nam của Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ cho biết.
Hậu quả khi những cây tần bì đổ xuống là thành phố sẽ phải trồng lại cây mới. Dự báo thiệt hại mà loài bọ nhỏ bé này gây ra cho nước Mỹ có thể lên tới 30 triệu USD mỗi năm. Trong kịch bản tệ nhất, con số đó có thể lên tới 4,9 tỷ USD từ nay cho tới năm 2050.
Các nhà chức trách tại Mỹ đang cố gắng tìm cách diệt bọ ngọc lục bảo, từ chặt bỏ cây nhiễm bệnh, dùng thuốc diệt côn trùng cho đến thả loài thiên địch tự nhiên. Tuy nhiên, các biện pháp này không ngăn chặn được mà chỉ làm chậm tốc độ lây lan của bọ ngọc lục bảo xuống còn một nửa so với Châu Âu.
Tại Mỹ, mỗi năm loài côn trùng này vẫn xâm lấn với tốc độ khoảng 20 km, đe dọa đến sự tồn tại của 8,7 tỷ cây tần bì trên khắp Bắc Mỹ
Một cây tần bì bị quấn nilon và chặt bỏ vì nhiễm bọ ngọc lục bảo.
Nhà sinh thái học tính toán Emma Hudgins tại Đại học McGill ở Canada cho biết dẫu sao, "những kết quả nghiên cứu này đã cung cấp một câu chuyện cảnh tỉnh cho các thành phố đang trồng độc canh một loài cây cho cảnh quan của mình".
Cây xanh trong môi trường đô thị mang lại nhiều lợi ích như cải thiện chất lượng không khí, làm mát đường phố, thu giữ carbon, cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã cũng như cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của công dân.
Vì vậy, bài học kinh nghiệm rút ra ở đây là để giữ cho các thành phố xanh bền vững, các nhà quy hoạch đô thị nên trồng đa dạng các loại cây và tránh trồng độc canh một loài cây dễ bị sâu bệnh phá hoại, đặc biệt là tần bì Châu Âu và Bắc Mỹ.