Tiết lộ thứ kiêng kị trong những mộ cổ không kẻ trộm nào dám lấy
Trộm mộ cổ là một vấn nạn kéo dài hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Sử sách Trung Quốc chép rằng, Tào Tháo từng cho đào các ngôi mộ cổ để bổ sung quân lương. Chính nhờ số vàng bạc châu báu lấy được trong các khu mộ cổ, Tào Tháo đã có nguồn ngân quỹ nuôi quân trong ba năm, vượt qua được giai đoạn khó khăn trở thành bá chủ một phương sau này.
Trộm mộ là vấn nạn lâu đời ở Trung Quốc. (Ảnh: 163)
Càng về sau này, lợi nhuận thu được từ việc bán cổ vật, vàng bạc, đồ trang sức đánh cắp được từ các ngôi mộ càng khiến nhiều người mờ mắt. Người Trung Quốc thậm chí còn truyền tai nhau câu nói: "Muốn trở thành triệu phú sau một đêm, chỉ cần đào một ngôi mộ cổ".
Những đồ vật còn sót lại trong một ngôi mộ cổ. (Ảnh: 163).
Chính vì vậy, đến ngày nay, nhiều người vẫn chưa từ bỏ công việc này bởi họ tin rằng, đi theo người chết là vô số của cải, vàng bạc, châu báu và các món đồ có giá trị. Ở những địa phương có các công trình di tích văn hóa lâu đời, nạn trộm mộ diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, tự bao đời, những kẻ trộm mộ ở Trung Quốc tự đặt ra những nguyên tắc riêng của mình. Trang 163 thông tin, khi đột nhập vào các ngôi mộ cổ, kẻ trộm thường không ngần ngại lấy đi vàng bạc, châu báu. Tuy nhiên, họ tuyệt nhiên không dám đụng tới những đồ làm bằng ngọc trong mộ người quá cố.
Sau này khi khai quật các ngôi mộ thời nhà Hán, các nhà khảo cổ đã rất ngạc nhiên khi những bộ y phục làm từ ngọc, kết nối bằng các sợi chỉ vàng của vua chúa, quý tộc nhà Hán còn nguyên các miếng ngọc. Duy chỉ có những sợi chỉ vàng đã bị lấy đi hết.
Các bộ y phục bằng ngọc thường chỉ bị lấy đi những sợi chỉ vàng. (Ảnh: 163).
Một ngôi mộ của một vị vương gia thời Hán khi được các nhà nghiên cứu tìm thấy, ngoài ngọc ra thì trong mộ không còn thứ gì cả.
Lý do những kẻ trộm mộ không bao giờ lấy ngọc là vì họ cho rằng, ngọc trong mộ người chết không được sạch sẽ.
Người Trung Quốc thời cổ quan niệm rằng, con người sau khi chết phải dùng ngọc để "nuôi dưỡng". Ngoài ra, ngọc còn được dùng để bịt vào những lỗ khí trên cơ thể, nhằm dưỡng khí huyết cũng như tránh cho côn trùng xâm nhập vào. Vì ngọc tiếp xúc quá nhiều với xác chết nên không ai dám lấy chúng đi.
Ngoài ra, ngọc là biểu tượng cho thân phận và địa vị của một con người, không phải thứ mà người bình thường có được. Thông thường, chỉ những người thuộc tầng lớp danh gia vọng tộc mới có.
Các nhà khảo cổ thường là người đến sau những kẻ trộm mộ. (Ảnh: 163).
Thời xưa, nếu đột nhiên ai đó sở hữu một miếng ngọc thì rất dễ bị quan phủ phát giác, chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này". Vì thế, từ xưa, những kẻ trộm mộ không dám động vào ngọc vì sợ gây tai họa cho chính mình.
Ngoài ra, nhiều người tin rằng, các miếng ngọc thường được truyền từ đời này sang đời khác và được đeo trong nhiều thập kỷ. Nó được coi là linh khí và gắn bó mật thiết với linh hồn của người đã khuất. Nếu chạm vào những miếng ngọc này hoặc đem chúng về sở hữu, những kẻ trộm mộ có thể sẽ gặp phải tai họa, báo oán.
Trộm mộ luôn là nghề bị xã hội Trung Quốc lên án. Những kẻ trộm mộ bất lương dám cả gan xâm phạm mồ mả của những người đã khuất vốn rất ranh ma. Họ coi đây là một nghề để kiếm sống, mưu sinh và hiện thực hóa giấc mơ giàu có. Vì vậy, những kẻ này đương nhiên không tự "giết mình" bởi những miếng ngọc dù nó đẹp và giá trị cỡ nào.
Nguyên tắc kiêng kị này vô hình trung đã để lại một lượng lớn di vật văn hóa các đồ bằng ngọc quý giá cho Trung Quốc ngày nay.