Thiên hà vòng cách Trái đất 600 triệu năm ánh sáng
Nguồn gốc hình thành của Hoag, thiên hà có hình dạng đặc biệt, là bí ẩn của giới khoa học suốt gần 70 năm.
NASA đăng hình ảnh mới của thiên hà Hoag do kính viễn vọng không gian Hubble chụp và nhà địa vật lý Benoit Blanco xử lý, Live Science hôm 3/12 đưa tin. Nhà thiên văn Arthur Hoag phát hiện vật thể này năm 1950. Đây là một thiên hà vòng hiếm gặp với đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng.
Thiên hà Hoag cách Trái Đất 600 triệu năm ánh sáng. (Ảnh: NASA).
Trong ảnh, hàng tỷ ngôi sao xanh tạo thành vòng tròn ánh sáng hoàn hảo bao quanh một khối cầu nhỏ và đặc hơn gồm những ngôi sao đỏ. Ở khoảng tối giữa hai vòng sao, người xem có thể thấy một thiên hà vòng khác cách xa Trái Đất hơn nhiều so với Hoag.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến Hoag mang hình dạng như vậy. Thiên hà vòng chỉ chiếm chưa đến 0,1% trong toàn bộ số thiên hà đã biết. Do đó, việc nghiên cứu chúng gặp rất nhiều thách thức.
Arthur Hoag từng đưa ra giả thuyết, hình dạng vòng chỉ là ảo ảnh quang học do hiện tượng thấu kính hấp dẫn gây ra. Hiện tượng này xảy ra khi những vật thể khối lượng lớn ngoài vũ trụ bẻ cong và khuếch đại ánh sáng. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này với kính viễn vọng tân tiến hơn cho thấy giả thuyết trên không chính xác.
Theo một giả thuyết nổi tiếng khác, ban đầu Hoag là thiên hà đĩa. Vụ va chạm với một thiên hà hàng xóm đã tạo ra một lỗ hổng và khiến lực hấp dẫn của Hoag thay đổi vĩnh viễn. Nếu vụ va chạm xảy ra trong vòng 3 tỷ năm qua, các nhà thiên văn có thể quan sát được dấu vết để lại bằng kính viễn vọng vô tuyến. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa tìm được dấu vết nào như vậy.
Nếu có một vụ va chạm lớn ở trung tâm thiên hà Hoag, nó phải xảy ra cách đây lâu đến mức không còn sót lại bằng chứng nào. Các chuyên gia mới chỉ tìm thấy rất ít thiên hà vòng, trong đó không thiên hà nào có tính đối xứng tốt như Hoag. Vì vậy, thiên hà Hoag đến nay vẫn là một bí ẩn của khoa học vũ trụ.