Thợ điện "giải mã" hiện tượng điều hòa kém mát trong ngày nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, oi bức, kết hợp cùng hiệu ứng đô thị tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang khiến người dân nếm trải bầu không khí ngột ngạt, khó thở và gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa.

Dẫu vậy, thực tế đã có nhiều gia đình trong những ngày qua dù mua điều hòa đắt tiền và bật hàng tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thấy mát. Có một số trường hợp gọi thợ tới sửa, nhưng sau ít ngày lại "đâu vào đấy". Nguyên nhân của những trường hợp này là do đâu?

Nhiều người quên bảo dưỡng điều hòa


Điều hòa nên bảo dưỡng 6 tháng/lần.

Thành Đạt, một thợ sửa chữa điều hòa lâu năm tại khu vực quận Cầu Giấy cho biết nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng điều hòa kém mát là do tấm lọc bụi bị "bỏ quên".

Thực tế cho thấy đa số máy lạnh, máy điều hòa tại khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đều là các dòng 1 chiều, chỉ được dùng chủ yếu vào mùa hè, và gần như bị "bỏ quên" vào các thời điểm khác trong năm. Chính bởi lý do này đã khiến nhiều hộ gia đình không làm sạch khay lọc bụi định kỳ, khiến bụi bám vào và giảm khả năng làm mát của máy.

Rất may mắn là với vấn đề này, người dùng tại các hộ gia đình, công sở hoàn toàn có thể tự khắc phục đơn giản bằng cách tháo tấm lọc ra và đi vệ sinh thật sạch. Rồi sau đó lắp trở lại lên điều hòa.


Tấm lọc bụi bẩn sẽ khiến điều hòa giảm mát.

Một nguyên nhân khác cũng khá phổ biến là do điều hòa bị hết gas sau khi sử dụng trong một thời gian dài, hoặc bị hở đường ống dẫn gas, khiến cho dù được bật ở chế độ thấp nhất nhưng không thấy hơi mát tỏa ra, hoặc có nhưng rất yếu. Ngoài ra, điều hòa sẽ xuất hiện tình trạng bị chảy nước.

"Nếu điều hòa hết gas, đa số các gia đình chỉ có thể gọi dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa để nạp gas, nhằm đảm bảo máy luôn hoạt động ổn định", anh Đạt cho hay.

Không chỉ ngốn một khoản điện năng lớn và tăng nguy cơ hư hỏng, việc dàn lạnh bị chảy nước (do thiếu ga hoặc hết gas) còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng.

Hiện tượng kém mát xảy ra không chỉ do điều hòa

Cục nóng đặt sai vị trí cũng là một trong những nguyên nhân khiến điều hòa chạy kém hiệu quả khi trời nắng nóng.


Nên đặt cục nóng tại nơi thoáng mát, tránh không gian chật hẹp, sát mái tôn, mặt trời chiếu trực tiếp.

Ít người biết rằng điều hòa có thể kém mát do những lý do rất khách quan, điển hình như do ảnh hưởng từ nhiệt độ ngoài trời, và điện áp trong mạng lưới điện.

Cụ thể, nhiệt độ quá cao tại khu vực nội thành, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều, có thể khiến điều hòa hoạt động kém hiệu quả, bởi đa số các thiết bị làm mát hiện nay không có cơ chế bảo vệ quá nhiệt khi nhiệt độ lên trên 43 độ C (46 độ C với các dòng cao cấp).

"Một sự thật hiển nhiên đó là khi trời càng nóng, điều hòa càng dễ hỏng với nhiều nguyên nhân khác nhau như quá tải, cháy/chập IC, cục nóng quá nóng dẫn tới không thể làm mát cho dàn lạnh bên trong....", bác Hồng, một thợ sửa điều hòa lâu năm cho biết 

Theo đó, các thợ điện có kiến thức trong nghề đều hiểu về nguyên tắc người dùng cần lắp đặt cục nóng tại không gian thoáng, có luồng gió lưu thông, tránh không gian chật hẹp, sát mái tôn, mặt trời chiếu trực tiếp.

Tuy nhiên có đến 80% trường hợp lắp sai vị trí, và không đạt đủ các yếu tố này, đặc biệt là tại các chung cư cao tầng. Lý do đôi khi không phải do thợ, mà do thiết kế công trình sẵn có không cho phép tối ưu lắp điều hòa đúng kỹ thuật, hoặc do chủ cũ đã lắp trên một hệ thống bị sai kỹ thuật.

Cũng không thể không nhắc đến một nguyên nhân nữa là do nhu cầu dùng thiết bị điện tăng cao đột biến, nên tại nhiều khu vực ngoại thành, thậm chí tại một số nơi trong nội thành Hà Nội, đã có hiện tượng quá tải nhiệt, khiến một số nơi điện cung cấp chỉ còn dưới 200V.

Điện cung cấp không đủ khiến máy điều hòa, đặc biệt là các dòng thế hệ cũ, máy nén (block) không thể hoạt động trơn tru và kém hiệu quả. Thậm chí một số trường hợp điện chập chờn còn gây cháy, hỏng bảng mạch bên trong thiết bị.

Để khắc phục điều này, người dùng tại những khu vực điện kém ổn định, điện yếu, nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, tránh khung giờ cao điểm (6-8 giờ tối), hoặc mua thêm bộ ổn áp để dùng cho các thiết bị điện trong nhà.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất