Thử nghiệm thuốc điều trị mọc răng đầu tiên trên thế giới
Đây là lần đầu tiên trên thế giới loại thuốc này được thử nghiệm trên người, mang lại cơ hội cho nhiều người bị mắc bệnh mất răng bẩm sinh hoặc do một lý do nào đó không thể mọc lại răng đã mất.
Nếu thành công thuốc này sẽ mang lại một lựa chọn thứ 3 cho người mắc bệnh mất răng bẩm sinh. (Ảnh minh họa).
Theo phóng viên tại Nhật Bản, dự kiến việc thử nghiệm sẽ được tiến hành tại bệnh viện Đại học Kyoto, tỉnh Kyoto, để xác nhận độ an toàn của thuốc mọc răng do Toregem Biopharma phát triển. Nguyên lý hoạt động của loại thuốc mọc răng này là sử dụng một loại kháng thể để tác động lên một protein là nguyên nhân gây ức chế việc phát triển răng bình thường. Trong các thí nghiệm trên động vật trước đó, loại thuốc này đã được ghi nhận đã có tác dụng kích thích các chồi răng ở xương hàm, giúp răng được mọc lên như bình thường.
Theo kế hoạch, việc thử nghiệm giai đoạn đầu sẽ được tiến hành vào tháng 9 tới đối với 30 người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh đã xác nhận là gặp khó khăn trong việc mọc răng ở các vị trí đã hỏng. Tiếp đó, trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai được thực hiện vào năm 2025, Toregem Biopharma sẽ phối hợp với một bệnh viện ở thành phố Osaka và một viện nghiên cứu y khoa để đánh giá hiệu quả đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh mất răng bẩm sinh trong độ tuổi từ 2 đến 7 tuổi. Cho đến nay, những bệnh nhân này không có phương pháp điều trị nào và buộc phải đeo răng giả theo từng độ tuổi hoặc phẫu thuật cấy ghép răng nhân tạo ở giai đoạn trưởng thành.
Người trưởng thành thông thường có 28 chiếc răng, chưa bao gồm 4 chiếc răng khôn và nếu ít hơn 6 chiếc thì có thể người đó đã mắc bệnh mất răng bẩm sinh. Theo ước tính của Toregem Biopharma, có khoảng 0,1% số người trưởng thành tại Nhật Bản mắc chứng bệnh này. Nếu không được điều trị sớm, chứng bệnh này có thể gây khó khăn khi nhai thức ăn, thậm chí gây ra teo xương hàm và cho đến nay chưa có thuốc đặc trị.
Theo đại diện của Toregem Biopharma, nếu thử nghiệm trên người thành công, thuốc này sẽ mang lại một lựa chọn thứ ba cho người mắc chứng bệnh này, sau phương án đeo răng giả hoặc phẫu thuật cấy ghép răng nhân tạo, với chi phí khoảng 1,5 triệu yen (gần 10.000 USD) và có thể được chi trả bởi bảo hiểm y tế.