Tiến sĩ Việt Nam lai tạo vật liệu thay thế bạch kim
TS Đào Văn Dương (Đại học Phenikaa) tổng hợp vật liệu lai tạo có hiệu suất chuyển đổi cao, giá thành rẻ hơn 20% so với bạch kim trong pin thông thường.
Là một trong 5 nhà khoa học Việt nằm trong top các nhà bình duyệt trên toàn cầu năm 2019, TS Đào Văn Dương (36 tuổi) được đánh giá cao khi theo đuổi các nghiên cứu tổng hợp các loại vật liệu lai hóa có hiệu ứng cộng hưởng và tính chất vượt trội so với vật liệu bạch kim trong pin với mục đích giảm giá thành cho người sử dụng.
TS Đào Văn Dương (bìa trái) hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: NVCC).
Vật liệu lai tạo này là sự kết hợp giữa phiến Nio và hạt carbon nano, có diện tích bề mặt lớn với độ xốp cao, khả năng xúc tác lớn, cho phản ứng khử tại điện cực đối và tăng hiệu suất của tế bào quang điện. Vật liệu này có hiệu suất chuyển đổi cao (8,2%) so với 8,8% của thiết bị sử dụng bạch kim.
Từ kết quả ban đầu, ông đã tạo ra loại pin chứa vật liệu lai tạo Nio, có giá thành rẻ hơn những loại thông thường 20%, tuổi thọ trung bình cao hơn 30%. Các loại pin thông thường sử dụng hai chất điện cực được làm bằng kim loại dẫn điện là bạch kim và than chì, trong đó chất xúc tác bạch kim phải nhập từ nước ngoài khiến giá thành nhiên liệu bị đẩy lên cao, có độ bền kém và độc hại. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí năng lượng quốc tế Journal of Power Source và Nano Energy.
TS Dương cho biết, để có thể tối ưu hóa những đặc điểm vượt trội từ vật liệu Nio, nhóm nghiên cứu cần thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn. Khi thành công, vật liệu có thể được ứng dụng trong hệ thống chiếu sáng tại các bệnh viện, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông hiện có hơn 90 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (với 80 bài thuộc ISI Q1), 6 bằng sáng chế. Năm 2019, anh lọt top 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus (dữ liệu phân tích năm 2017) .
Bắt đầu nghiên cứu về vật liệu lai hóa và năng lượng tái tạo từ năm 2013 khi đang là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc), năm 2019, TS Dương trở về Việt Nam với nhiệm vụ dẫn dắt nhóm nghiên cứu mạnh "chuyển đổi và lưu trữ năng lượng tái tạo" tại Đại học Phenikaa.