Tiếng ồn từ vụ phóng tên lửa của tỷ phú Elon Musk mạnh đến mức nào?
Giáo sư Gee, người đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu âm thanh cường độ cao từ các vụ phóng tên lửa như Artemis I của NASA, nhận định âm thanh từ vụ phóng Starship mang nét độc đáo riêng.
Cảm giác sẽ ra sao khi được chứng kiến một vụ phóng tên lửa không chỉ thông thường, mà là Starship của SpaceX, thuộc sở hữu của tỷ phú công nghệ Musk, tên lửa lớn nhất và mạnh nhất thế giới?
Tên lửa đẩy Super Heavy mang theo tàu vũ trụ Starship không người lái của SpaceX rời bệ phóng tại Boca Chica, Texas, Mỹ, ngày 14/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Anh Noah Pulsipher, một sinh viên Đại học Brigham Young (BYU), đã có cơ hội chứng kiến vụ phóng Starship vào tháng 10 cho biết đây chắc chắn là âm thanh lớn nhất từng nghe. Anh Pulsipher mô tả: “Bạn có thể cảm nhận âm thanh bao trùm cơ thể, đôi lúc như thể nó đang đẩy bạn lùi lại vậy. Xung quanh tôi, còi báo động ô tô vang lên, chó sủa inh ỏi, thực sự là một trải nghiệm mạnh mẽ và đáng nhớ”.
Pulsipher hiện là thành viên của “Phòng thí nghiệm Âm học Vũ trụ PASCAL” tại BYU, do Giáo sư vật lý Kent Gee dẫn dắt. Giáo sư Gee, người đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu âm thanh cường độ cao từ các vụ phóng tên lửa như Artemis I của NASA, nhận định âm thanh từ vụ phóng Starship mang nét độc đáo riêng.
Ông chia sẻ âm thanh này có một tiếng rền trầm thấp rất áp đảo, trên nền đó lại có những âm cao lốp bốp. Đó là một trải nghiệm âm thanh rất đặc biệt.
Không chỉ cảm nhận được, âm thanh của tên lửa còn có thể đo lường một cách khoa học. Pulsipher, Gee và bốn cộng sự từ BYU vừa công bố một nghiên cứu trên tạp chí JASA Express Letters về tiếng ồn trong chuyến bay thứ năm của Starship, bao gồm cả cú hạ cánh của bộ tăng cường và tiếng nổ siêu thanh.
Nhóm nghiên cứu của BYU PASCAL. (Ảnh: phys).
Kết quả đo được cho thấy âm thanh từ vụ phóng rất lớn:
- Cách 10km, tiếng ồn tương đương với một buổi hòa nhạc rock.
- Cách 20km, tiếng ồn ngang với âm thanh của cưa bàn hoặc máy thổi tuyết.
- Cách 30–35km, tiếng ồn vẫn đạt mức của máy hút bụi hoặc máy sấy tóc.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một vụ phóng Starship tạo ra tiếng ồn tương đương 4–6 lần vụ phóng Space Launch System (SLS) hoặc ít nhất 10 lần tàu con thoi Falcon 9. Khi số vụ phóng Starship dự kiến tăng lên 100 lần mỗi năm, Giáo sư Gee cho rằng tiếng ồn này có thể gây ra tác động đáng kể đối với các cộng đồng lân cận.
Ông cho biết, tiếng ồn có thể làm rung cửa sổ, gây gián đoạn giấc ngủ, kích hoạt báo động và thậm chí ảnh hưởng đến hệ sinh thái động vật hoang dã. Ông chia sẻ thêm hiện con người đang chinh phục không gian, nhưng cần cân nhắc làm thế nào để duy trì sự hài hòa với môi trường. Nghiên cứu này sẽ xem xét tác động đến các loài động vật đang bị đe dọa cũng như đời sống cộng đồng trong khu vực.
Hiện tại, chưa có hướng dẫn pháp lý nào về mức độ tiếng ồn cho các vụ phóng tên lửa. Mặc dù công việc của nhóm PASCAL không tập trung vào chính sách, nhưng dữ liệu từ nghiên cứu có thể cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định và cộng đồng khi các cảng vũ trụ trở nên phổ biến hơn.
Để chuẩn bị cho chuyến bay thứ sáu của Starship vào ngày 19/11, nhóm PASCAL đã vận chuyển ba pallet thiết bị tới Texas, bao gồm máy tính, hệ thống thu thập dữ liệu, GPS, micro và kính chắn gió. Giáo sư Gee nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội độc nhất vô nhị để sinh viên tham gia vào nghiên cứu như thế này và “BYU là trường đại học duy nhất nghiên cứu tiếng ồn tên lửa ở mức độ này”.
Đối với Pulsipher, cảm giác phấn khích khi chứng kiến một vụ phóng tên lửa không bao giờ phai nhạt. Anh hào hứng bày tỏ “Lúc nào cũng thật tuyệt vời khi thấy tên lửa được phóng lên. Trước tiên, bạn sẽ thấy ánh sáng lóe lên, sau đó vài giây mới nghe thấy âm thanh, và lúc đó bạn chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc. Đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ mà tôi luôn háo hức chờ đợi”.
- SpaceX bỏ dùng "đũa gắp" tầng đẩy tên lửa Starship
- Vụ phóng tên lửa mạnh nhất thế giới ồn đến mức nào?
- Trạm Vũ trụ Quốc tế bị rò rỉ, NASA lo ngại "sự cố thảm khốc"