Tiết lộ bí ẩn mặt trời sinh đôi tại Trung Quốc
Mặt trời sinh đôi đã được nhìn thấy trên bầu trời của Trung Quốc. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này là rất hiếm hoi.
Một đoạn video cho thấy sự xuất hiện của hai mặt trời cùng lúc ở Trung Quốc đã làm cộng đồng mạng sửng sốt. Một mặt trời màu cam, mặt trời khác màu vàng và trông cao hơn.
Hình ảnh mặt trời sinh đôi ở Trung Quốc (beforeitsnews.com)
Thực sự thì điều gì đã xảy ra? Website khoa học Life’s Little Mysteries đã đề nghị nhà thiên văn của Đại học Illinois, Jim Kaler giải mã hiện tượng bí ẩn trên.
Theo Kaler, sự xuất hiện của một mặt trời sinh đôi này là hiệu quả của khúc xạ hoặc khúc xạ quang học. Tuy nhiên, ông nói thêm, "điều này cũng rất hiếm".
"Tôi nghi ngờ rằng, hiện tượng này là do kỹ thuật photoshop từ máy tính", Kaler nói. "Tuy nhiên, tôi khẳng định chắc chắn có một loại bầu không khí ở một nơi nào đó có thể gây ra hiện tượng ngoạn mục này trong tự nhiên. Điều này trông như là ảo ảnh", ông nói thêm.
Hiện tượng ảo ảnh thường xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ. Thông thường xảy ra ở gần đường chân trời, nơi không khí dày hơn, và liên kết theo chiều dọc trên hoặc dưới các nguồn ánh sáng ban đầu - không phải bên cạnh nó, giống như trong video. Theo Kaler, sự khác biệt đó có thể xảy ra khi các mảnh khí quyển ngẫu nhiên nằm ở phía trước mặt trời và tạo ra hiệu ứng đặc biệt.
Mặc dù là thật tuyệt diệu nhưng sự xuất hiện của mặt trời sinh đôi này trước đó đã từng xảy ra. Ngoài ra đã từng xuất hiện trên bầu trời hai mặt trăng như đã nêu trong cuốn sách "Ánh sáng và màu sắc bên ngoài" của nhà thiên văn học Marcel Minnaert.
Trong khi đó, một số nhà khoa học quang học khí quyển khác mà Life’s Little Mysteries đã liên lạc thì họ thừa nhận chưa hề nhìn thấy hiện trượng như trong video trên.
"Đây không phải là một hiện tượng quang học thông thường mà chúng ta thường thấy," Grant Perry, nhà khoa học về khí quyển của Đại học Wisconsin nói. "Tôi tự hỏi, điều này liệu có thể được tạo ra bởi ống kính. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đó thì hình ảnh sẽ chuyển động theo nếu camera chuyển động", Perry nói. "Nhưng điều đó đã không xảy ra".
Về mặt quang học, ông nói, "Bạn có thể giả định có những hạt băng hoặc một cái gì đó trong không khí tương tự có thể khúc xạ mặt trời ở một góc rất nhỏ, nhưng chỉ về một hướng".
Một số hiệu ứng của quang học khí quyển đã từng giải thích một cách khoa học là như thế, hiện tượng ảo ảnh hoàng hôn (sunset mirages), cột mặt trời (sun pillars)... Nhưng sự xuất hiện trong đoạn video trên không thuộc định nghĩa nào đã từng xuất hiện. Tuy nhiên, "nó rất thú vị", theo lời ông Kaler.