Tìm hiểu "hội chứng đồng nát" biến bạn thành vua bãi rác
Không chỉ những người ưa sạch sẽ mà người bình thường cũng phải "ngả mũ chào thua" trước hội chứng "đồng nát" đáng sợ này.
Chứng bệnh lạ biến con người thành vua bãi rác
Nhiều người thường trêu đùa nhau rằng những ai làm nghề bác sĩ thường ưa sạch sẽ bởi họ "nhìn đâu cũng ra vi khuẩn". Tuy nhiên, bạn có hay trên thế giới cũng tồn tại một loại bệnh hoàn toàn trái ngươc đáng sợ hơn như vậy gấp nhiều lần, mang tên Hội chứng rối loạn tích trữ (hoarding disorder) - còn được gọi vui là "Hội chứng đồng nát".
Vậy đây là hội chứng bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu sự đáng sợ của "hội chứng đồng nát" thông qua bài viết dưới đây.
Hội chứng rối loạn tích trữ là gì?
Nhiều tài liệu đã chỉ ra, một người mắc chứng rối loạn tích trữ (hoarder) là khi họ có quá nhiều món đồ và lưu trữ chúng một cách lộn xộn, không ngăn nắp.
Nói một cách đơn giản, người mắc chứng này thường lưu giữ những vật phẩm không còn hoặc còn ít giá trị như thư, túi xách cũ, vật dụng với mong muốn sửa chữa hoặc tái sử dụng.
Đôi khi vì "tiếc rẻ" mà họ gom nhặt tất cả mọi thứ, ngay cả túi nilon, tờ giấy ăn đã qua sử dụng tại nhà hàng và luôn cố chấp giữ khư khư chúng dù không để làm gì cả.
Điều này tất yếu dẫn tới tình trạng không gian sống của họ vô cùng lộn xộn - đến mức khu vực bếp hay phòng tắm đều không thể sử dụng được vì quá nhiều đồ. Không chỉ vật dụng thông thường, có những hoarder thậm chí còn tích trữ cả động vật nữa.
Theo các nhà khoa học, hội chứng này có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng phần nhiều là khi họ đã có tuổi. Một bản thống kê ở Anh đã chỉ ra, ước tính có từ 2% - 5% người trưởng thành tại Anh có các biểu hiện của căn bệnh rối loạn tích trữ.
Nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn tích trữ này khoa học chưa thể giải thích được đầy đủ. Một số ý kiến cho rằng, đó có thể là hệ quả của một bệnh khác như sợ di chuyển, ưa sự lộn xộn và không thể xa rời những món đồ họ đã mua.
Nhiều chuyên gia khác lại đưa ý kiến, những người này mắc chứng bệnh trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế do không thể phân loại và xử lý những vật dụng xung quanh mình. Cùng với đó, họ rơi vào trạng thái cô đơn, tự bỏ bê cuộc sống của mình.
Ngoài ra, nhiều người khác tin rằng, một ai đó sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc căn bệnh rối loạn tích trữ cũng rất dễ mắc căn bệnh này do không học được cách ưu tiên và sắp xếp các đồ dùng.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ những hoarder và người thích sưu tầm. Những người sưu tầm coi việc đó là thú vui và không làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, các hoarder lại thu thập tất cả những gì có thể và thường có một cuộc sống không mấy lành mạnh.
Những nguy cơ tới từ hội chứng rối loạn tích trữ
Hẳn bất cứ ai khi nhìn vào một căn phòng với đống đồ chất đống như vậy cũng cảm thấy "bất lực" khi muốn di chuyển trong căn phòng hay có ý định dọn dẹp lại.
Không chỉ gây mất mỹ quan mà hội chứng bệnh này còn đem đến cho người bệnh những tác động tiêu cực đến hiệu quả làm việc, điều kiện vệ sinh và các mối quan hệ cá nhân khác.
Đây cũng là lý do những hoarder thường ít có bạn bè, luôn ở trong trạng thái bị cô lập và cảm thấy cô đơn.
Bên cạnh đó, việc tích trữ quá nhiều đồ vật cũ, mới trong không gian hẹp có thể gây ra nguy hiểm cho họ và bất cứ ai đến thăm thăm nhà. Thậm chí, rất nhiều trường hợp người bệnh được ghi nhận là bị chết ngộp trong chính đống đồ của mình.
Một ví dụ điển hình cho việc này, đó là trường hợp của anh em "vua rác" Collyer. Từ hai người bình thường, sự sợ hãi trước quá trình đổi thay của xã hội đã khiến họ... không dám ra khỏi nhà, đồng thời tích trữ hàng tấn rác để ngăn không cho người lạ tấn công.
Cho đến một ngày, người ta phát hiện ra thi thể đang trong quá trình phân hủy của họ ở trong nhà. Theo điều tra từ cảnh sát, họ đã bị chính đống rác nặng tới 120 tần đè bẹp và chết thảm.
Bên cạnh đó, việc tích trữ quá nhiều đồ vật như rác giấy có thể gây hỏa hoạn bất kỳ lúc nào. Giống như trường hợp của James Shields - người đàn ông tật nguyền tại bang Ohio (Mỹ).
Ông đã mua một chiếc máy sưởi để giữ ấm, tuy nhiên ngôi nhà quá bừa bộn toàn rác giấy đã bắt lửa. Ngọn lửa lan ra nhanh chóng nhưng ông đã không thể thoát ra vì đồ đạc được chất chồng, bịt kín lối ra. Cuối cùng, ông đã bỏ mạng trong sự tuyệt vọng của những người lính cứu hỏa.
... và một vài phương pháp điều trị cho hội chứng bệnh "đồng nát"
Giới chuyên gia khẳng định, hội chứng "đồng nát" không phải là một căn bệnh có thể dễ dàng điều trị, dù bản thân bệnh nhân có muốn được giúp đỡ hay không. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, hội chứng này có thể được khắc phục phần nào.
Việc chữa trị bệnh chủ yếu là điều chỉnh hành vi nhận thức. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh hiểu được tại sao họ cảm thấy khó khăn khi vất đi những thứ vô dụng cũng như sự lộn xộn đã được tạo nên như thế nào.
Sau đó kết hợp với những công việc dọn dẹp thực tế và một kế hoạch cụ thể, người bệnh sẽ dần cảm thấy khá hơn.
Điều quan trọng là người mắc bệnh phải tự mình trực tiếp đi dọn dẹp những món đồ linh tinh ở nhà của họ. Các nhà trị liệu sẽ khuyến khích và giúp họ thực hiện điều này.
Trong một số trường hợp, người mắc bệnh có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) bởi thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả tiết chế căn bệnh này.