Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm. Có khoảng 500 loài mực trên thế giới, sống rải rác ở tất cả các đại dương, chúng là nguồn thức ăn tuyệt vời cho các loài cá như cá voi, cá heo, cá mập, cá biển và cả những con mực khác. Có thể nói chúng là loài thân mềm yếu ớt, vậy làm sao có thể sinh tồn trong thế giới tự nhiên?
Mực thường được tìm thấy ở cửa sông, biển sâu và vùng nước ngoài khơi. Ở những vùng nước lớn, không nơi nương náu khiến chúng dễ bị tấn công nên cơ chế tự vệ đầu tiên để phát hiện nguy hiểm là đôi mắt to và sáng. Loài mực khổng lồ, có những con mắt to bằng đĩa ăn, loài có mắt to nhất trong thế giới động vật.
Tuy nhiên, ở những vùng nước đục hoặc vào ban đêm, mực dựa vào cảm biến thứ hai, được tạo từ hàng nghìn tế bào sợi nhỏ li ti chạy dọc cơ thể được gắn vào nơ-ron thần kinh. Khi bơi, các con vật tạo ra sóng, các tế bào sợi cảm nhận và gửi thông tin đến não. Nhờ vậy, mực có thể cảm nhận được kẻ săn mồi ngay cả trong dòng nước tối. Lường trước mối nguy hiểm, mực có thể trốn kẻ thù.
Đặc tính thích nghi ấn tượng nhất của mực chính là mưu mẹo đánh lừa kẻ thù. Da mực chứa hàng nghìn cơ quan nhỏ gọi là sắc tố bào, chúng chứa sắc tố màu đen, nâu, đỏ, vàng. Sắc tố bào phản chiếu các tế bào bên dưới giúp mực thay đổi màu theo môi trường và ẩn thân. Khi các cơ co lại, màu của tế bào bị phô ra, ngược lại, khi các cơ giãn ra, màu cũng được giấu đi. Mỗi sắc tố bào được điều khiển riêng biệt bởi hệ thần kinh, vậy nên, trong khi vài cái nở ra, số còn lại giữ nguyên hiện trạng. Hiện tượng này được gọi là ngụy trang màu sắc tương phản, khiến thân dưới của mực có màu nhạt hơn thân trên, loại bỏ bóng khiến kẻ thù không thể nhận ra nó từ bên dưới.
Tuy nhiên, vài loài săn mồi như cá voi hay cá heo không bị mắc lừa, chúng dùng sóng âm để hình dung con mực ngụy trang. Không để bị lật tẩy, mực vẫn còn hai chiêu nữa.
Chiêu thứ nhất là phun mực (chủ yếu gồm dịch nhầy và melanin nên có màu tối). Chiêu phun mực này sẽ tạo một vùng khói mù lớn có thể chặn tầm nhìn của kẻ thù, hay tạo ra một cái bóng đánh lạc hướng kẻ săn mồi.
Chiêu thứ hai, khi bị dồn đến đường cùng, mực dựa vào phản lực để phóng đi khỏi loài săn mồi, đạt vận tốc tới 40km/giờ và đi hàng mét trong vài giây. Điều này khiến chúng là động vật thân mềm nhanh nhất Trái Đất.
Ngoài ra, vài loài mực còn phát triển một số hình thức thích nghi mới khá đặc biệt. Loài mực quỷ sống ở vùng biển sâu, khi bị khiêu khích, sẽ dùng các tua mực để tạo hang và trốn sau đó. Hay một số loài mực sử dụng xúc tu đào và tự chôn mình xuống cát để trốn khỏi tầm mắt kẻ thù. Mực bay ở Thái Bình Dương dùng cách bắn mình bay khỏi mặt nước để tránh kẻ thù.
Khả năng thích ứng tuyệt vời của mực cho phép chúng sinh sôi nhanh chóng trong 500 triệu năm qua. Nhờ đó, ta biết được thêm rất nhiều về loài động vật thân mềm này và cách chúng làm chủ nghệ thuật sinh tồn dưới đáy biển sâu.