Bức ảnh mới nhất chụp từ kính viễn vọng 10 tỷ USD
Không chỉ phân tích các thiên hà xa xôi, kính viễn vọng James Webb còn có thể quan sát những hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, nằm rất gần Trái Đất.
Sau loạt ảnh màu chất lượng cao về vũ trụ xa xôi, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục chia sẻ một số hình ảnh Mộc tinh chụp bởi James Webb. Theo Space, loạt ảnh mới cho thấy khả năng nghiên cứu các hành tinh gần Trái Đất của kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD.
Loạt ảnh được chụp bởi các bộ lọc màu khác nhau của camera hồng ngoại gần (NIRCam). Nhìn vào ảnh, có thể thấy rõ những vòng mây bao quanh Mộc tinh, Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot - cơn bão rực lửa có diện tích lớn hơn Trái Đất, được cho đã tồn tại hàng trăm năm và chưa có dấu hiệu dừng lại) cùng các vành đai xung quanh cơn bão.
Hình ảnh Mộc tinh và mặt trăng Europe chụp bởi bộ lọc 2,12 micron của NIRcam. Ảnh: NASA.
Một số mặt trăng của Mộc tinh, bao gồm Europa cũng xuất hiện trong ảnh. Mặt trăng này được cho có nhiều thành phần thiết yếu của sự sống gồm nước, năng lượng và vật liệu carbon. Đại dương của Europa nằm dưới lớp băng dày từ 15-25 km, độ sâu từ 60-150 km. Đây được đánh giá là một trong những vật thể tiềm năng thuộc Hệ Mặt Trời có thể duy trì sự sống.
Những bức ảnh Mộc tinh được chụp trong lúc các kỹ sư hiệu chỉnh James Webb sau khi phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2021. Giai đoạn này đã hoàn tất, kính viễn vọng 10 tỷ USD của NASA chính thức hoạt động cho các sứ mệnh khoa học từ ngày 12/7.
Nhiệm vụ chính của James Webb là cung cấp những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, tìm ra manh mối về sự hình thành, tồn tại của con người và sự sống ngoài Trái Đất. Với những công cụ mạnh mẽ, các nhà khoa học còn sử dụng James Webb để phân tích các vật thể, hiện tượng vũ trụ, bao gồm nhóm hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời như Mộc tinh.
"Kết hợp những hình ảnh vũ trụ xa xôi được công bố trước đó, loạt ảnh Mộc tinh cho thấy toàn bộ chi tiết mà James Webb có thể quan sát, từ các thiên hà mờ ảo, cách xa chúng ta đến những hành tinh nằm trong Hệ Mặt Trời, có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ sân nhà", Bryan Holler, nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian tại Baltimore chia sẻ.
Một số hình ảnh khác của Mộc tinh chụp bởi bộ lọc 2,12 micron (trái) và 3,23 micron. Ảnh: NASA.
"Không thể tin chúng tôi có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, sáng sủa như vậy. Thật thú vị khi nghĩ đến khả năng quan sát những loại vật thể này trong Hệ Mặt Trời", Tiến sĩ Stefanie Milam, thành viên thuộc dự án khoa học hành tinh của James Webb tại NASA chia sẻ.
Không chỉ Mộc tinh, nhóm nghiên cứu James Webb cũng phân tích dữ liệu một số tiểu hành tinh trong giai đoạn hiệu chỉnh, nhằm đánh giá khả năng quan sát các mục tiêu chuyển động nhanh. Theo các kỹ sư, kính viễn vọng 10 tỷ USD đã vượt qua các bài thử nghiệm.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Sẽ ra sao nếu bạn rơi vào hố đen vũ trụ?
Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi rơi vào một hố đen. Một mô phỏng mới đây đã hé lộ trải nghiệm kinh hoàng này.

Thiên Vương Tinh - Hành tinh kỳ lạ nhất Hệ Mặt Trời
Cho tới khi chưa tìm ra được Hành tinh thứ 9 (chỉ mới là giả thuyết), Thiên Vương Tinh (Uranus) vẫn là hành tinh "khác người" nhất so với 7 hành tinh còn lại của hệ Mặt Trời chúng ta.

Những sự thật "khó tin nổi" về sao Thiên vương
Sao Thiên vương có thể chứa được 63 Trái đất bên trong nó, mùa hè ở đây kéo dài tới 42 năm, sao Thiên vương chỉ có 2 mùa.... đây là những sự thật khó tin, ít người biết về sao Thiên Vương.

Chiêm ngưỡng hiện tượng thú vị và hiếm gặp: Thất tinh hội ngộ Mặt trăng!
Bảy hành tinh gồm sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và Mặt trăng sẽ cùng "trình diễn" trên bầu trời từ ngày 17 đến 27-6.

Phát hiện hố đen "lớn" nhanh nhất trong 9 tỷ năm
Các nhà khoa học Australia phát hiện một hố đen siêu lớn có khối lượng bằng 3 tỷ Mặt Trời. Họ tin rằng đây là hố đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua.
