Tìm ra loại vải phù hợp nhất làm... khẩu trang
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra biện pháp tốt hơn nhằm kiểm tra loại vải phù hợp nhất với khẩu trang.
Nhờ đó, giúp làm chậm sự lây lan của Covid-19. Các nhà khoa học đã thử nghiệm các loại vải trong điều kiện tương tự độ ẩm từ hơi thở của một người.
Các phép đo mới cho thấy, trong điều kiện ẩm ướt, hiệu suất lọc tăng trung bình 33% trong vải cotton. Vải tổng hợp hoạt động kém hơn so với vải bông và hiệu suất của chúng không cải thiện theo độ ẩm.
Sợi vải bông và vải polyester.
Chất liệu từ khẩu trang y tế cũng không cải thiện theo độ ẩm, mặc dù nó hoạt động trong phạm vi gần giống bông.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia (NIST) và Viện Bảo tồn Bảo tàng của Smithsonian. Nhà khoa học Christopher Zangmeister thuộc nhóm nghiên cứu của NIST, cho biết: “Vải cotton vẫn là một lựa chọn tuyệt vời. Nghiên cứu mới này cho thấy, vải cotton thực sự hoạt động tốt trong khẩu trang hơn chúng ta tưởng”.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra liệu độ ẩm có khiến vải gây khó thở hơn không. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy điều đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, mọi người nên đeo khẩu trang để làm chậm sự lây lan của Covid-19. Khi được đeo đúng cách, những chiếc khẩu trang đó sẽ lọc một số giọt bắn chứa virus mà người bệnh thở ra. Khẩu trang đồng thời bảo vệ người đeo bằng cách lọc không khí đi vào.
Hiệu quả lọc của vải bông tăng trong điều kiện ẩm ướt. Bởi, bông có tính hút nước. Bằng cách hấp thụ lượng nhỏ nước trong hơi thở của một người, sợi bông tạo ra môi trường ẩm bên trong vải. Khi các hạt siêu nhỏ đi qua, chúng sẽ hấp thụ một phần hơi ẩm này và có nhiều khả năng bị mắc kẹt.
Mặt khác, hầu hết các loại vải tổng hợp đều kị nước. Những loại vải này không hấp thụ độ ẩm và hiệu quả lọc của chúng không thay đổi trong điều kiện ẩm.
Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thử nghiệm mẫu vải thay vì khẩu trang thực tế. Họ đã tính toán hiệu quả lọc bằng cách đo số lượng các hạt trong không khí trước và sau khi đi qua vải. Các nhà nghiên cứu tính khả năng thở bằng cách đo áp suất không khí trên cả hai mặt của vải, khi không khí đi qua.
Nếu khẩu trang vải thực sự bị ướt, người dùng có thể cảm thấy khó thở. CDC khuyến cáo, mọi người không nên đeo khẩu trang trong các hoạt động như bơi lội. Nếu khẩu trang bị ướt do thời tiết, người dùng nên thay.
Mặc dù nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích cho những người đeo khẩu trang, nhưng nó cũng chứa đựng những bài học cho các nhà khoa học. Nhờ đó, giúp cải thiện hiệu quả khẩu trang và đo lường hiệu suất của chúng.
“Để hiểu những vật liệu này hoạt động như thế nào trong thế giới thực, chúng ta cần nghiên cứu chúng trong điều kiện thực tế”, nhà nghiên cứu Zangmeister cho biết.