Tìm ra ra cách con người lần đầu tiên định cư ở siêu lục địa
Khoảng thời gian từ 75.000 đến 50.000 năm trước đây là thời kỳ mà con người bắt đầu đi qua siêu lục địa Sahul để đến các khu vực hiện đại như Úc, Tasmania, New Guinea và quần đảo Aru.
Nghiên cứu mới đây đã phát hiện nhiều hơn về những tuyến đường mà người cổ đại đã đi cùng với quãng thời gian để họ khám phá được toàn bộ lục địa rộng lớn này. Có lẽ phải mất đến 10.000 năm để những con người dũng cảm thời đó chinh phục được toàn bộ vùng đất này, trong khi trước đây chúng ta ước tính họ chỉ mất 5.000 năm.
Bản đồ siêu lục địa Sahul. (Ảnh: Trường đại học Flinders).
Để khẳng định những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình mới tinh vi hơn, đưa vào những yếu tố ảnh hưởng đến việc đi lại, ví dụ như khả năng cung cấp thực phẩm, phân phối nguồn nước và địa hình nơi đây.
Các yếu tố về cách thức người xưa tương tác với địa hình, hệ sinh thái và có thể là cả những giống người khác vào thời đó đều có thể thay đổi kết quả sau khi chạy mô hình và cho ra kết luận chính xác hơn. Nhà sinh thái học Corey Bradshaw ở Trường đại học Flinders, Úc, cho biết "Hiện nay chúng ta có thể phỏng đoán chính xác hơn các kiểu hình và quá trình mà người xưa định cư trên những vùng đất này cách đây vài chục nghìn năm".
Các nhà nghiên cứu sử dụng kết hợp dữ liệu lấy từ hai nghiên cứu đã được công bố trước đây. Một là mô hình di chuyển và tăng dân số thông qua hệ thống lưới và hai là lập biểu đồ về các "siêu xa lộ" có thể người xưa đã đi qua dựa vào các đặc điểm cảnh quan.
Các tuyến đường và phân bố dân cư ở Sahul. (Ảnh: Bradshaw, Quanternary Science Reviews, 2023).
Bên cạnh việc tính toán lại thời gian để người xưa di chuyển hết toàn bộ lục địa trong điều kiện bị hạn chế bởi địa hình, mô hình mới cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm ra một hành lang di chuyển mới về phía Nam qua vùng trung tâm của siêu lục địa cổ đại này.
Báo cáo nghiên cứu cho biết một người đi bộ trên vùng đất này và chọn con đường chính đó nhiều lần sẽ tạo ra một hành lang di cư bởi vì mỗi cá nhân truyền lại kiến thức của mình cho một số người và những người đó dần dần truyền lại cho toàn bộ dân cư còn lại. Cuộc di cư có thể đã bắt đầu qua Timor, sang các vùng phía Tây của New Guinea, sau đó mở rộng nhanh chóng về phía Nam đến Vịnh Đại Úc và về phía Bắc đến New Guinea.
Cũng theo báo cáo, các chuyến đi của người xưa đến Tasmania bị hạn chế do sự lên xuống của mực nước biển ở eo biển Bass. Yếu tố này đã được mô hình mới đưa vào tính toán dưới dạng ảnh hưởng của cảnh quan đến sự phân tán dân số.
Nhà sinh thái học Bradshaw cho biết mô hình cập nhật này cho thấy New Guinea đã có người sinh sống từ khoảng 5.000 đến 6.000 năm trước với vùng trung tâm ban đầu là Cao nguyên Trung phần và biển Arafura, sau đó lan ra quần đảo Bismarck ở phía Đông. Con người đã đến tận phía Đông Nam và vùng Tasmania vào khoảng 9.000 đến 10.000 năm sau khi họ đặt chân lần đầu tiên đến Sahul.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi sử dụng những mô hình này có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của các khu vực khác trên thế giới, những phát hiện này cũng có thể áp dụng để chúng ta có thể lập bản đồ di cư của người hiện đại (hay người đứng thẳng) vượt ra khỏi châu Phi, đi qua châu Á và đến châu Mỹ.
Những phát hiện của nghiên cứu trên rất đáng ghi nhận trong việc xác định hướng và tốc độ di cư của loài người trong lịch sử. Ngoài ra, nó còn là một minh chứng cho sự ưu việt khi kết hợp các mô hình máy tính với các khảo sát khảo cổ học và nhân chủng học để điều chỉnh lại hiểu biết của chúng ta được chuẩn xác hơn trong công tác nghiên cứu về loài người.
- Phát hiện sốc: "Đồ công nghệ" 3 triệu tuổi không phải con người làm ra
- Kubanochoerus gigas: Loài lợn cổ xưa có sừng giống như kỳ lân trong thần thoại
- Giải mã mật thư thất lạc của Nữ hoàng Mary sau 4 thế kỷ