Tín hiệu ping là gì?
Tuyên bố của chính phủ Malaysia về số phận của MH370 đến từ quá trình phân tích tín hiệu "ping". Cụm từ kỹ thuật này cũng được sử dụng rất nhiều trong chuỗi những ngày tuyệt vọng vừa qua của MH370. Vậy, "ping" là gì?
Tuyên bố của chính phủ Malaysia về số phận của MH370 đến từ quá trình phân tích tín hiệu "ping". Cụm từ kỹ thuật này cũng được sử dụng rất nhiều trong chuỗi những ngày tuyệt vọng vừa qua của MH370. Vậy, "ping" là gì?
Tín hiệu ping là một dạng thông điệp được gửi từ một thiết bị tới một thiết bị khác. Gói dữ liệu "ping" chỉ chứa rất ít thông tin, và sau khi đã gửi gói "ping", máy gửi sẽ chờ đợi một tín hiệu phản hồi lại ("echo") từ máy nhận tín hiệu ping. Mục đích của ping là để xác nhận xem máy gửi tín hiệu ping và máy nhận tín hiệu ping có thể liên lạc được với nhau qua một kết nối mạng hay không.
Vị trí cuối cùng của MH370, theo phân tích của Inmarsat
Thuật ngữ "ping" được phát minh vào năm 1983, và theo tác giả của công nghệ này, tên gọi "ping" đến từ các âm thanh do các radar siêu âm trên tàu ngầm phát ra. Hệ thống theo dõi này sẽ liên tục phát ra các âm thanh siêu âm và chờ đợi sóng âm thanh va đập vào các vật thể dưới nước vọng (echo) về tàu ngầm, nhờ đó xác định được các chướng ngại vật và các tàu đối địch.
Tương tự như vậy, quá trình ping trên các thiết bị số sẽ gửi đi một gói tín hiệu yêu cầu máy nhận phải gửi lại gói tín hiệu phản hồi echo tới máy nguồn. Quá trình ping trên thiết bị số chủ yếu được gửi qua giao thức ICMP (Internet Control Message Protocol – Giao thức Thông điệp Điều khiển Internet). Toàn bộ quá trình ping sẽ được tính giờ, bao gồm thông tin thời gian trong tín hiệu IMCP do máy nguồn gửi đi. Thời gian này sau đó sẽ được so sánh với thời gian máy nguồn nhận được gói tín hiệu trả lời (echo).
Theo tiêu chuẩn của ngành công nghệ, các máy chủ và router bắt buộc phải gửi tín hiệu echo phản hồi. Máy nguồn có thể thực hiện gửi nhiều yêu cầu ping khác nhau nhằm đo đạc chính xác hơn quãng thời gian truyền tín hiệu tới máy nhận, đồng thời cũng để nhanh chóng phát hiện trường hợp mất kết nối.
Thông tin từ thử nghiệm ping bao gồm thời gian tối thiểu để gửi/nhận tín hiệu, thời gian gửi trung bình, thời gian tối đa cũng như các mức chênh lệch trong các con số này. Thử nghiệm ping cũng sẽ làm rõ tỉ lệ tín hiệu bị mất.
Theo tờ South China Morning Post, sau khi hệ thống liên lạc trên MH370 bị tắt, máy bay vẫn tiếp tục gửi đi phản hồi tín hiệu ping vốn có thể được sử dụng để đồng bộ hóa thời gian trên máy bay. Các tín hiệu ping này được gửi từ một trạm dưới mặt đất lên vệ tinh, sau đó được vệ tinh phát tới máy bay. Máy bay sẽ tự động gửi tín hiệu phản hồi tới vệ tinh và mặt đất.
Tín hiệu ping của MH370 không bao gồm các thông tin vị trí GPS, do đó Inmarsat (công ty làm chủ vệ tinh cuối cùng nhận được ping từ MH370) đã phải sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để xác định vị trí của MH370 trong những giờ cuối cùng tại Nam Ấn Độ Dương. Khu vực hẻo lánh này không có sân bay nào, do đó thủ tướng Malaysia đã đưa ra kết luận rằng: "Chuyến bay MH370 đã kết thúc chặng đường của mình ở Nam Ấn Độ Dương" vào ngày 24/3.