Tình cờ phát hiện sinh vật lạ ở sâu dưới thềm băng Nam Cực

Nghiên cứu mới cho thấy sâu bên dưới thềm băng ở Nam Cực lạnh giá, có nhiều sự sống hơn ta tưởng.

Theo nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science (Thụy Sĩ), trong một cuộc khảo sát thăm dò, các nhà khoa học đã khoan xuyên 900m băng ở thềm băng Filchner-Ronne nằm ở phía đông nam biển Weddell. Ở vị trí cách bề mặt đại dương mở 260km, dưới bóng tối đen đặc và nhiệt độ -2,2 độ C, hầu như không thể phát hiện thấy loài động vật nào có thể sống trong điều kiện này.


Cộng đồng sinh vật này có thể cách nguồn quang hợp gần nhất 1.500km. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra sự tồn tại của loài động vật không di chuyển, tương tự như bọt biển. Loài này bám vào một tảng đá trên đáy biển.

Tiến sĩ Huw Griffiths, nhà địa lý sinh vật thuộc Tổ chức Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết: “Phát hiện này là một trong những lần tình cờ may mắn đã cho chúng ta thấy đời sống sinh vật biển ở Nam Cực đặc biệt và gây ngạc nhiên tới khó tin như thế nào vì khả năng thích nghi với môi trường băng giá”.

Theo ông Griffiths, phát hiện trên đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Ví dụ như làm thế nào loài này có thể tới được đó? Chúng ăn cái gì? Chúng đã ở đó bao lâu? Có bao nhiêu tảng đá kiểu này có sinh vật như vậy bám vào? Chúng là loài giống loài chúng ta thấy bên ngoài thềm băng hay là loài mới? Chuyện gì xảy ra với chúng nếu thềm băng sụp đổ?

Các thềm băng trôi nổi là khu vực có nhiều sự sống chưa được khám phá nhất ở Nam Cực Dương. Thềm băng bao phủ hơn 1,5 triệu km2 thềm lục địa Nam Cực, nhưng con người mới chỉ nghiên cứu một khu vực rộng bằng sân tennis thông qua 8 lỗ khoan trước đó.

Các giả thiết hiện nay và dạng sống nào có thể tồn tại dưới thềm băng cho thấy càng xuống sâu, càng cách xa ánh sáng và nước mở thì càng ít sự sống. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra một số loại động vật ăn thịt và ăn xác nhỏ, như cá, sâu, sứa hoặc nhuyễn thể ở các môi trường này. Tuy nhiên, người ta cho rằng các sinh vật dựa vào nguồn thức ăn phía trên để tồn tại sẽ là loài đầu tiên biến mất nếu xuống sâu hơn lớp băng.

Vì thế, nhóm nhà địa chất nói trên rất ngạc nhiên khi họ khoan qua lớp băng để thu thập mẫu trầm tích và họ va phải đá thay vì lớp bùn ở đáy đại dương. Họ còn ngạc nhiên hơn khi qua video, họ thấy một tảng đá lớn mà sinh vật kỳ lạ này bao phủ.

Đây là lần đầu tiên từng phát hiện ra một cộng đồng chất nền cứng sâu bên dưới thềm băng và dường như nó trái với mọi giả thiết trước đó về loại sự sống nào có thể tồn tại ở đó.

Xét dòng chảy ở trong khu vực, các nhà nghiên cứu tính toán rằng cộng đồng sinh vật này có thể cách nguồn quang hợp gần nhất 1.500km. Các sinh vật khác thường lấy dinh dưỡng từ lớp băng tan chảy hoặc hóa chất từ mê tan thấm qua, nhưng các nhà nghiên cứu không thể biết nhiều hơn về các sinh vật mới phát hiện cho tới khi họ có công cụ thu thập mẫu của chúng. Đây là một thách thức lớn.

Ông Griffiths nói: “Để trả lời câu hỏi, chúng ta sẽ phải tìm cách tới gần hơn các loài này và môi trường sống của chúng. Đó là nơi cách mặt băng 900m, cách tàu của chúng ta 260km. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học địa cực sẽ phải tìm cách mới để nghiên cứu chúng”.

Ông Griffiths và nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng khi đang xảy ra khủng hoảng khí hậu và các thềm băng ngày càng sụp nhiều thì thời gian nghiên cứu và bảo vệ các hệ sinh thái này đang cạn dần.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất