Top 5 nhóm thực phẩm người bệnh vảy nến nên ăn
Chất chống oxy hóa, beta-carotene, folate, kẽm và axit béo omega-3 là những nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên có trong chế độ ăn của người bệnh vảy nến.
Vảy nến là gì?
Vảy nến là các mảng da bong tróc tạo thành vảy. Vị trí tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm; riêng vảy có thể màu xám, màu trắng hoặc bạc. Những mảng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới.
Bệnh vảy nến là bệnh mãn tính (kéo dài) không lây, có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau. Hầu hết, người bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da nhưng một số trường hợp, các mảng vảy nến có thể ngứa hoặc đau.
Theo BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, hiện không có một chế độ ăn chuyên biệt nào dành riêng cho người bệnh vảy nến vì hầu hết nghiên cứu vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh lý này.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh nhận thấy rằng có một số thực phẩm làm triệu chứng bệnh nặng hơn, trong khi một số thực phẩm khác lại làm giảm tình trạng viêm do vảy nến.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chế độ ăn của người bệnh vảy nến nên có 5 nhóm thực phẩm dưới đây:
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có trong các loại trái cây như nho, bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế. Các chất này cần thiết để ngăn cản sự hình thành leukotriene, một trong những thủ phạm làm vảy nến nặng hơn.
Beta-carotene
Nhóm chất này thường có trong cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài. Beta-carotene giúp chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, cần thiết cho sức khỏe làn da.
Folate
Folate có trong ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, bông cải xanh, cải bắp và giá. Folate giúp phân chia tế bào da cho một làn da khỏe mạnh.
Kẽm
Kẽm là chất thường có trong sò và các thực phẩm có ngũ cốc. Thiếu kẽm là tình trạng thường thấy ở người bệnh vảy nến. Vì vậy, nên bổ sung các thực phẩm chứa kẽm trong chế độ ăn.
Axit béo omega-3 thường có trong các loại cá như cá mòi, cá thu và cá hồi...
Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 còn gọi là eicosapentanoic acid hay EPA, thường có trong các loại cá như cá mòi, cá thu và cá hồi; hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè. Nhóm chất này giúp người bệnh vảy nến giảm nhu cầu sử dụng thuốc bôi chứa corticosteroid mà không làm tình trạng bệnh xấu hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên người bệnh vảy nến nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gồm đường, đồ ăn chiên xào và chế biến sẵn, thức ăn nhiều gia vị, tiêu, chocolate, trứng, thịt đỏ và rượu bia để tránh bùng phát bệnh.
Ngoài ra, một số loại thức ăn có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của một số thuốc điều trị vảy nến. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thức ăn nào nên tránh khi đang sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Đồng thời, người bệnh vảy nến cần thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, kết hợp tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng vừa phải nhằm giảm mức độ nặng của vảy nến và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan.
- Tác dụng tuyệt vời của quả óc chó đối với sức khỏe
- Những điều bố mẹ cần ghi nhớ để đảm bảo an toàn cho con khi đi thang cuốn
- Các nhà khoa học hé lộ bản đồ não người chi tiết nhất lịch sử