Top 6 loại trà giúp giảm đau bụng kinh bạn nên biết
Một số loại trà có thể giúp bớt stress cũng như làm giảm cơn đau bụng kinh, giảm buồn nôn và đầy hơi.
Phái nữ có thể đã quen với chứng chuột rút kinh nguyệt - một cơn đau nhói âm ỉ dai dẳng ở vùng bụng dưới báo hiệu sự bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt.
Theo Eat This Not That, chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt là rất phổ biến. Tuy nhiên, bạn có nhiều lựa chọn để giảm bớt cơn đau này bằng các biện pháp như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như ibuprofen và acetaminophen.
- Các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn ngâm mình trong bồn nước nóng, đặt một miếng đệm sưởi ấm ở lưng dưới hoặc bụng của bạn.
Không phải mọi biện pháp khắc phục đều hiệu quả với mọi người. Một biện pháp khác để thêm vào danh sách của phái nữ mỗi khi đến tháng là uống trà.
Nghiên cứu khám phá lợi ích của trà đối với chứng đau bụng kinh vẫn còn khá hạn chế, nhưng một số bằng chứng cho thấy nhiều loại trà giúp giảm đau bụng kinh và các tác dụng phụ khó chịu khác liên quan đến kỳ kinh nguyệt như buồn nôn, đầy hơi.
Trà gừng
Chuyên gia dinh dưỡng Eva De Angelis, đồng thời là cây viết về sức khỏe và dinh dưỡng tại Healthcanal cho biết nhiều người sử dụng gừng để giúp giảm các bệnh về tiêu hóa như buồn nôn và đầy hơi.
Do đặc tính chống viêm và giảm đau, gừng cũng giúp giảm đau bụng kinh và đầy hơi.
Mặc dù không có nghiên cứu nào kiểm tra cụ thể tác dụng của trà gừng đối với chứng đau bụng kinh, các nghiên cứu nhỏ về nhiều dạng gừng khác cho thấy loại cây này có thể làm giảm đau bụng kinh:
Một đánh giá nghiên cứu cho thấy những người tham gia dùng 750-2.000 miligram bột gừng trong 3-4 ngày đầu tiên của kỳ kinh cho biết họ ít đau bụng hơn so với những người dùng giả dược.
Một nghiên cứu nhỏ trên các sinh viên đại học cho thấy uống 200 mg gừng cứ sau 6 giờ giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả như thuốc Novafen.
Chuyên gia Parmeet Kaur cho biết uống quá nhiều trà gừng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhỏ như khó chịu ở bụng, ợ nóng và tiêu chảy. Bạn sẽ có nhiều khả năng gặp tác dụng phụ của trà gừng khi tiêu thụ hơn 4 gram gừng/ngày.
Uống trà gừng giúp giảm đau bụng kinh và đầy hơi cho phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt. (Ảnh: Healthline).
Trà xanh
Trà xanh chứa một hợp chất hóa học gọi là L-theanine có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm đau do chuột rút trong kỳ kinh nguyệt.
Thực tế, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ trong độ tuổi sinh sản uống trà xanh có mức độ đau bụng kinh thấp hơn so với những người không uống trà.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ trà xanh chứa caffeine và lượng caffeine này đủ để cản trở giấc ngủ của bạn. Tốt nhất là bạn nên uống trà xanh vào buổi sáng.
Caffeine cũng có thể ảnh hưởng đến chứng chuột rút kinh nguyệt. Chuyên gia Parmeet Kaur cho biết caffeine khiến tử cung co bóp mạnh hơn nên nó có thể làm tăng cảm giác đau và khó chịu cho một số người.
Theo chuyên gia Parmeet Kaur, một số người báo cáo caffeine giúp giảm bớt chứng chuột rút của họ, nhưng những người khác nói caffeine làm cho chứng chuột rút trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn thử dùng trà xanh để trị chuột rút kinh nguyệt, tốt nhất nên bắt đầu với liều lượng nhỏ và xem phản ứng của cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn trà xanh đã khử caffeine.
Trà xanh chứa polyphenol. Những hợp chất này rất giàu chất chống oxy hóa với đặc tính chống viêm, mang lại những lợi ích sức khỏe khác như ngăn ngừa bệnh ung thư và tiểu đường. (Ảnh: Longevity Technology).
Trà hoa cúc
Nếu bạn từng thử uống một tách trà ấm trước khi đi ngủ để chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, bạn có thể đã quen với tác dụng làm dịu của trà hoa cúc. Hoa cúc chứa hợp chất hóa học gọi là apigenin giúp thúc đẩy cảm giác buồn ngủ và thư giãn.
Một nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc cũng giúp điều trị nhiều khía cạnh của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), bao gồm chuột rút. Hơn nữa, vì trà hoa cúc có thể giúp thúc đẩy giấc ngủ và giảm căng thẳng nên nó là một lựa chọn tốt khi bạn cảm thấy mệt mỏi do kỳ kinh nguyệt.
Chuyên gia dinh dưỡng Eva De Angelis cho biết hoa cúc cũng làm giảm chảy máu kinh nguyệt, giúp giảm bớt chứng chuột rút.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2020, những người tham gia nghiên cứu uống 250 mg hoa cúc 3 lần/ngày trong một tuần trước kỳ kinh ít bị chảy máu kinh hơn so với những người dùng giả dược.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2020 cho thấy giấc ngủ kém chất lượng có thể khiến kỳ kinh nguyệt của phái nữ đau đớn hơn. (Ảnh: AdobeStock).
Trà ô long
Trà ô long là một loại trà truyền thống của Trung Quốc được làm từ cùng một loại cây với trà xanh và đen. Với trà ô long, những chiếc lá đó được chế biến theo cách khác, mang lại hương vị trái cây hoặc hương hoa.
Nghiên cứu cho thấy trà ô long cũng có những lợi ích tương tự trà xanh về khả năng giúp giảm chuột rút. Ngoài ra, trà ô long có thể giúp bạn giảm đau.
Bên cạnh đó, trà ô long cũng chứa caffeine, mặc dù số lượng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và cường độ pha chế. Nói chung, hàm lượng caffeine của trà ô long rơi vào khoảng giữa trà xanh và trà đen - khoảng 37-55 mg cho cốc 236 ml.
Trà ô long có những lợi ích tương tự trà xanh. (Ảnh: First For Women).
Trà quế
Một số bằng chứng cho thấy quế có thể giúp giảm viêm, giảm đầy hơi ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Quế cũng giúp giảm đau và buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Trong một nghiên cứu, những người tham gia dùng 420 mg quế 3 lần/ngày cho biết họ ít bị đau bụng kinh, chảy máu và buồn nôn hơn so với những người dùng giả dược.
Nghiên cứu này sử dụng chất bổ sung bột quế chứ không phải trà quế. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu cụ thể về trà quế. Tuy nhiên, theo giai thoại, một số người thấy uống trà quế giúp giảm đau cùng với cảm giác ấm áp dễ chịu.
Quế cũng mang lại những lợi ích sức khỏe bổ sung như cải thiện lưu thông máu, giảm lượng đường trong máu và giảm cholesterol cao. (Ảnh: Verywell Fit).
Trà thì là
Thì là là một loại thảo mộc có hương vị cam thảo nhẹ. Chuyên gia dinh dưỡng Eva De Angelis cho biết thì là và hạt của nó rất giàu vitamin C và quercetin, hai chất chống oxy hóa có thể làm giảm viêm nhiễm.
Các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu xem trà thì là có thể ảnh hưởng đến chứng chuột rút trong thời gian như thế nào, nhưng bằng chứng có vẻ đầy hứa hẹn:
Trong một nghiên cứu nhỏ, những người tham gia uống 30 mg chiết xuất thì là 4 lần/ngày trong 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt đã báo cáo giảm đau bụng kinh đáng kể so với những người dùng giả dược.
Một đánh giá năm 2020 cho thấy thì là dường như có tác dụng giảm đau tương tự thuốc giảm đau và có khả năng làm giảm đau trong kỳ kinh hơn là giả dược.
Phái nữ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại trà thảo dược nào khi đang cho con bú hoặc nếu bạn có khả năng mang thai. (Ảnh: Medical News Today).
Các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu những lợi ích tiềm năng của các loại trà khác nhau đối với chứng đau bụng kinh. Tuy nhiên, tin tốt là uống trà sẽ không gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, ngay cả khi trà có tác dụng giống như một loại thuốc giả dược hoặc không giảm đau hoàn toàn chứng chuột rút kinh nguyệt của bạn, bạn vẫn có thể nhấm nháp chúng một cách an toàn.
Các nghiên cứu đằng sau các loại trà và tác dụng của chúng đối với chứng chuột rút trong kỳ kinh nguyệt vẫn còn khá hạn chế, nhưng một số loại trà như gừng và hoa cúc có thể giảm bớt chứng chuột rút. Ngoài ra, một tách trà ấm giúp mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thư giãn, đặc biệt nếu bạn bị căng thẳng hoặc lo lắng trước kỳ kinh nguyệt.
Uống trà có thể không làm giảm hoàn toàn cơn đau bụng kinh. Tuy nhiên, 1-2 cốc hàng ngày giúp giảm bớt chứng chuột rút và có khả năng giúp các chu kỳ kinh nguyệt sau bớt đau đớn hơn.
- Vì sao khi uống trà có người uống vào mất ngủ, có người lại ngủ rất ngon?
- Sự thật về giai thoại quả táo rơi trúng đầu Newton mà cả thế giới vẫn tin suốt 400 năm qua
- El Gigante: Bức tượng Moai bí ẩn nhất trên đảo Phục Sinh