Trận mưa lớn gây động đất trong lịch sử Pháp
Một trận động đất khác thường phá hủy những ngôi làng ở thung lũng Rhône tại Pháp dường như do mưa lớn gây ra từ năm 2019 khiến nhà khoa học tìm cách lý giải.
Tuy không có ai thiệt mạng trong sự kiện và ảnh hưởng của động đất chỉ ở quy mô địa phương, nghiên cứu công bố trên tạp chí Remote Sensing cho thấy tác động của con người đến khí hậu có thể gây ra hậu quả gián tiếp ngoài mong đợi, IFL Science hôm 4/8 đưa tin.
Thung lũng Rhône từng trải qua trận động đất 4,9 độ vào tháng 11/2019. (Ảnh: The Wine Cellarage)
Phần lớn động đất, đặc biệt là động đất lớn, xảy ra dọc ranh giới mảng kiến tạo. Vì vậy, khi động đất đất lớn đến mức gây thiệt hại bên trong mảng kiến tạo, giới địa chất học rất quan tâm tới nguyên nhân phía sau, nhất là ở địa điểm chưa từng trải qua sự kiện như vậy. Ngày 11/11/2019, một trận động đất 4,9 độ khiến hàng trăm ngôi nhà sụp đổ một phần tại làng Le Teil và Saint-Thomé ở tây nam nước Pháp. Thực tế, những ngôi nhà này đã hàng trăm năm tuổi và các trận động đất trước đó quá nhỏ để ảnh hưởng tới công trình. Điều đó thôi thúc giới nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Ban đầu, nghi ngờ tập trung vào một mỏ đá gần đó, nhưng kết quả nghiên cứu sâu hơn hé lộ thủ phạm là những trận mưa lớn vào tháng trước. Đây là điều rất đáng lo ngại. Khi tìm cách ước tính hậu quả của nhiệt độ tăng lên, các học giả xem xét mực nước biển, hạn hán, lũ lụt và bão nhưng có rất ít tính toán cân nhắc chuyển động của bản thân Trái đất.
Một nhóm nhà khoa học ở Cục Khảo sát Địa chất Pháp xây dựng mô hình địa chất 3D của khu vực quanh vùng động đất và bao gồm cả đá lấy từ khu mỏ từ năm 1850. Sức nặng giảm đi từ đá khai thác làm thay đổi các lực tác động trong khu vực, nhưng quá trình này rất chậm.
Ngược lại, dòng nước ngầm ồ ạt và đất sũng nước do mưa lớn xảy ra vào tháng trước, dẫn tới ngập lụt nghiêm trọng khắp vùng. Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu độ ẩm đất từ vệ tinh SMOS để ước tính mức độ ngấm nước. Họ nhận thấy áp suất từ lượng nước tăng thêm ở mức cao nhất trong ít nhất 10 năm trước trận động đất, đạt mức 1 triệu pascal ở độ sâu 1,2 km dưới mặt đất, gần điểm hai đường đứt gãy giao nhau. Nhóm nghiên cứu ước tính áp suất do nước tạo ra lớn gấp 2,5 lần áp suất giải phóng từ khai thác đá, đủ để gây ra đứt gãy nông trong khu vực.
Trận động đất diễn ra ở độ sâu khoảng 1km, rất gần mặt đất, góp phần lý giải tại sao cường độ động đất tương đối nhỏ lại gây ra thiệt hại lớn đến vậy. Áp suất tạo bởi hoạt động khai thác dầu khí, đặc biệt là việc xả nước thải sau đó, cũng được cho là nguyên nhân làm động đất tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới.
- Thiết bị sản xuất điện từ hạt mưa rơi
- Hoạt động của hang ngầm có thể gây hố sụt "tử thần"
- Khai quật được ngôi mộ vỏn vẹn 31m2 nhưng vàng ở đâu cũng có