Tranh cãi về thử nghiệm hé lộ sự hình thành vũ trụ
Trong giới khoa học vừa xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa về sự đáng tin cậy của một thí nghiệm mang tính đột phá, nhằm phát hiện điều gì đã xảy ra trong một phần tỉ triệu tỉ đầu tiên của một giây sau vụ nổ Big Bang.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts, Mỹ đã chế tạo các bộ phận cảm biến bức xạ siêu nhạy và lắp đặt chúng vào kính thiên văn radio BICEP2 ở Nam cực, để xem xét những dạng sóng ánh sáng nhất định bên trong sự phát tỏa vi sóng mờ nhạt còn lại từ vụ nổ Big Bang. 9 năm sau, họ phát hiện các dạng xoáy tít trong bức xạ nền vũ trụ, được tin là bắt nguồn từ các sóng hấp dẫn ở thời điểm sơ khai của vũ trụ.
Tuy nhiên, thông qua các phân tích kỹ lưỡng của mình, nhà nghiên cứu John Kovac cùng các cộng sự thuộc Đại học Harvard (Mỹ) tuyên bố, tín hiệu thu được có thể khởi phát từ một nguồn khác.
Các nhà khoa học (từ trái sang phải) Clem Pryke, Jamie Bock, Chao-Lin Kuo và John Kovac vui mừng thông báo về phát hiện mang tính đột phá của họ tại một buổi họp báo ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian. (Ảnh: AP)
Thí nghiệm từng được ca ngợi là giúp hé lộ thời khắc vô cùng ngắn ngủi khởi đầu của mọi thứ, khi vũ trụ giãn nở rất nhanh chóng, như một giả thuyết có tên gọi là "sự thổi phồng của vũ trụ".
Theo nhiều nhà khoa học, việc tìm thấy bằng chứng này đã trở thành một mục tiêu chính trong nghiên cứu vũ trụ. Khám phá sẽ mang tới cho chúng ta một ô cửa sổ hé nhìn vũ trụ lúc mới hình thành, khi chưa đầy 1 phần tỉ giây. Công trình hiện vẫn đang được các nhà khoa học khác tái đánh giá, nhưng cũng đã có ý kiến đề cập tới giải thưởng Nobel.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học hiện đang tỏ ra hoài nghi về các kết quả của thí nghiệm. Trên các trang mạng từ đầu tuần trước đã bắt đầu xuất hiện những lời đồn thổi rằng, nhóm tác giả của thí nghiệm thừa nhận đã mắc phải một sai lầm. Theo tin đồn thổi, các nhà nghiên cứu đã lầm lẫn một chi tiết then chốt trong phân tích bụi thiên hà, khiến nó thiên về khả năng rằng, tín hiệu khởi phát từ một nguồn, thay vì các sóng hấp dẫn.
Trong một bài viết gây tranh cãi, nhà vật lý Adam Falkowski đến từ Phòng thí nghiệm Vật lý lý thuyết Orsay (Pháp) cho rằng, trước khi công bố khám phá, tín hiệu cần phải được xác thực bằng những thí nghiệm khác. Nhóm của ông Kovac phản bác lại rằng, họ đã rất thận trọng trong báo cáo nghiên cứu công bố trước công chúng, cũng như tiên liệu được các điểm chưa rõ ràng.
Việc xác thực thí nghiệm của ông Kovac và các cộng sự sẽ không thể có được cho tới khi một nhóm nghiên cứu khác lên tiếng ủng hộ hoặc bác bỏ khám phá của họ. Điều này dự kiến có thể xảy ra vào cuối năm nay.