Trị chứng sợ hãi bằng trí tuệ nhân tạo
Các chuyên gia nghiên cứu về thần kinh đã tìm ra cách loại bỏ một số chứng sợ hãi bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chụp não. Bước tiến này sẽ giúp ích rất nhiều cho khoảng 4% đến 5% người trên thế giới bị ám ảnh bởi những nỗi sợ, điển hình như chứng sợ các loài chân dài.
Phương pháp điều trị mới được gọi là quá trình Decoded Neurofeedback (Giải mã phản hồi từ thần kinh). Không cần người mắc chứng sợ hãi nhận thức và cố gắng loại bỏ nỗi sợ, phương pháp này dựa vào việc xác định mô hình não có liên quan đến một chứng sợ hãi nào đó, sau đó "ghi đè thông tin" lên đó bằng cách tặng thưởng để não loại bỏ dần nỗi sợ và thay bằng hình ảnh tích cực hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể dùng để điều trị các bệnh khác như rối loạn căng thẳng sau chấn thương thâm lý (PTSD).
"Khi đưa một ký ức nhỏ liên quan đến chứng sợ hãi vào não, chúng tôi có thể phát triển một phương pháp nhanh và chính xác để đọc được ký ức này bằng cách sử dụng các thuật toán AI. Thách thức sau đó là tìm một cách để não giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn ký ức sợ hãi này một cách vô thức", giáo sư Ben Seymour đến từ Đại học Cambridge của Anh cho biết.
Nhện chân dài – một trong những nỗi ám ảnh phổ biến nhất. (Ảnh: Anja Jonsson/Flickr).
Với tổng cộng 17 tình nguyện viên tham gia thí nghiệm, các nhà khoa học đã tạo ra một "ký ức sợ hãi" bằng cách kết hợp một hình ảnh nào đó (gợi đến nỗi sợ) và một cú sốc điện nhẹ.
Sau ba ngày, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được thưởng một số tiền nhỏ mỗi khi ảnh não của họ cho thấy một mô hình giống nhau. Những người tham gia được biết trước họ sẽ được thưởng tiền dựa trên hoạt động của não nhưng không được giải thích cách thức thực hiện thế nào.
Mục tiêu của thí nghiệm này là dần dần gắn kết mô hình (não) được xác định bằng trí tuệ nhân tạo với ký ức được thưởng thay vì nỗi sợ.
"Kết quả là những gì gợi nhắc đến ký ức đó thay vì bị chuyển đổi thành nỗi sợ thì giờ đã được điều chỉnh để chuyển thành những hình ảnh tích cực hơn", người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - giáo sư Ai Koizumi đến từ Viện nghiên cứu Viễn thông Cao cấp Quốc tế Kyoto, Nhật, cho biết.
Thí nghiệm tiếp theo được tiến hành nhằm theo dõi người tham gia sẽ phản ứng thế nào khi được cho xem những hình ảnh gắn với chứng sợ hãi, các nhà nghiên cứu thấy rằng không có bất cứ dấu hiệu sợ hãi nào, hay có bất kỳ hoạt động nào ở hạch hạnh nhân - trung khu sợ hãi của não.
"Điều này có nghĩa là chúng tôi đã giảm đi ký ức sợ hãi nhưng không làm cho người tham gia nhận thức được chính họ trải qua nỗi sợ đó", giáo sư Koizumi nói.
Ảnh chụp não có đánh dấu trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Ai Koizuzmi).
Điều này hoàn toàn trái ngược với phương pháp điều trị phơi bày trực tiếp, ví dụ như cho người mắc bệnh rối loạn căng thẳng tiếp xúc trực tiếp với nguyên nhân khiến họ bị căng thẳng, trong điều kiện an toàn.
Cách này cũng thường hiệu quả, từ suy nghĩ "đối mặt với nỗi sợ" để vượt qua nó – nhưng đội nghiên cứu mới muốn tìm cách để cải thiện phương pháp điều trị cũ.
Dù mẫu thử cho thí nghiệm này tương đối nhỏ (chỉ có 17 người tham gia) nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp mới này có thể được phát triển để giúp con người vượt qua các chứng sợ hãi với ít áp lực và căng thẳng hơn.
"Để áp dụng phương pháp này, chúng tôi phải xây dựng một thư viện thông tin về não liên quan đến rất nhiều chứng sợ hãi khác nhau, ví dụ như chứng sợ nhện. Sau đó, theo kế hoạch, những người bệnh sẽ được tham gia các buổi điều trị bằng Decoded Neurofeedback thường xuyên để loại bỏ gần những nỗi sợ", giáo sư Seymour cho biết.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Human Behaviour.