Trí nhớ của hệ thống tiêu hóa giúp chúng ta nhớ rõ nơi mình từng được ăn ngon
Mỗi phút trôi qua, não bộ lại hình thành vô số ký ức mới. Và thực ra, ruột cũng giúp ích không ít cho quá trình đó.
Hệ thần kinh thực vật được biết đến với khả năng cảnh báo cho não bộ chúng ta biết khi ruột đã chứa quá nhiều thức ăn. Nhưng, theo một nghiên cứu mới được công bố 5/6 trên tạp chí Nature Communications cho thấy rằng hệ thần kinh thực vật còn có một vai trò quan trọng trong việc hình thành những kỷ niệm, ký ức về địa điểm và vật thể trong môi trường sống của chúng ta.
Tác giả nghiên cứu Scott Kanoski, phó giáo sư sinh học tại Đại học Nam California, cho biết, nghiên cứu này được thực hiện trên chuột, nhưng có thể cũng xảy ra ở người.
Não bộ và hệ thống tiêu hoá liên lạc với nhau chủ yếu qua dây thần kinh số X, dây thần kinh dài nhất trong cơ thể. Trong nghiên cứu, các tác giả muốn thử phản ứng của chuột khi họ cắt dây thần kinh này đi, làm gián đoạn vận chuyển thông tin từ hệ thống ruột đến não bộ.
Thường hệ thần kinh thực vật hoạt động khi loài động vật đang ăn. Vì vậy các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng chức năng này có thể phục vụ trong việc ghi nhớ vị trí của nơi có thức ăn ngon trong môi trường sống. Có thể nhờ đó mà động vật nhớ được vị trí và quay lại đó để tìm kiếm thức ăn.
Kanoski và nhóm nghiên cứu đã thiết lập một số thử thách cho các con chuột để tìm và nhớ vị trí đồ vật trong không gian xung quanh chúng. Họ tiến hành chiếu một nguồn ánh sáng chói vào lồng của các con chuột đủ để khiến chúng không chịu được và phải tìm lối thoát. Các con chuột với dây thần kinh X nguyên vẹn đã đi qua lối thoát thì đều nhớ vị trí và thoát ra được. Nhưng những con bị cắt dây X mặc dù đã đi qua lối thoát trước đó nhưng chúng đều không thể nhớ được vị trí và không thoát ra được.
Khi các nhà nghiên cứu theo dõi não bộ của những con chuột bị cắt đứt dây thần kinh phế vị, họ phát hiện thấy sự giảm hoạt động ở vùng đồi thị, một vùng não liên quan đến các loại trí nhớ cấp cao. Cụ thể là số lượng protein ở vùng đồi thị, có trách nhiệm tạo ra các tế bào thần kinh mới và kết nối giữa các tế bào thần kinh, đã bị giảm một cách đáng kể. Từ đó ta có thể suy ra loại protein này đóng một vai trò cụ thể trong việc hình thành ký ức.
Tuy nhiên, theo ông Kanoski, điều này chỉ đúng với những ký ức có liên quan đến việc định vị các đồ vật trong không gian. Việc cắt dây thần kinh X hầu như không ảnh hưởng đến bộ nhớ chung của não. Tức là não bộ chúng ta nhớ vật đó là gì, còn hệ thần kinh thực vật giúp chúng ta nhớ vị trí của vật đó.
Ông Kanoski cũng chia sẻ nếu hệ thần kinh thực vật ở người cũng có vai trò như vậy thì nó sẽ được áp dụng trong rất nhiều phương tiện chẩn đoán và điều trị. Ví dụ, có rất nhiều phương pháp điều trị nhắm đích đối với dây thần kinh phế vị này, như điều trị giảm cân bằng phương pháp vBloc. Nếu dây thần kinh này thực sự có vai trò hình thành ký ức thì những phương pháp điều trị này rõ ràng gây ảnh hưởng không ít tới trí nhớ của con người.
Ngược lại, sự cải thiện con đường dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh thực vật có thể sẽ làm tăng cường chức năng của bộ nhớ. Mặc dù điều này, theo Kanoski, vẫn cần phải được chứng minh thông qua rất nhiều nghiên cứu khác.
“Nếu ta chứng minh được giả thuyết này, loài người sẽ có thêm phương pháp để đối phó với căn bệnh đáng sợ Alzheimer”, ông nói.