Trí thông minh là gì và bắt nguồn từ đâu?
Bạn có bao giờ nghĩ loài chó thật thông minh nhưng cá heo lại thông minh hơn, vậy điều gì khiến bạn cho rằng loài này thông minh hơn loài kia và trí thông minh là gì, bắt nguồn từ đâu? Trí thông minh không phải là một khái niệm rõ ràng nó bao gồm nhiều khả năng phối hợp với nhau tương ứng với từng cấp độ.
Trí thông minh và các cấp bậc của trí thông minh
Cấp độ 1: Khả năng nhận thức và thu thập thông tin
Những sinh vật sống cần phải cảm nhận được trạng thái của cơ thể như cơn đói, sự mệt mỏi,... và có khả năng thu thập thông tin qua giác quan như là thị giác, thính giác khứu giác, xúc giác hoặc vị giác giúp chúng định vị và phản ứng với thế giới bên ngoài một cách phù hợp. Nếu thiếu điều này chúng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, không có khả năng phản ứng với môi trường sẽ không thể tiến xa.
Cấp độ 2: Khả năng lưu trữ thông tin
Hay còn gọi là trí nhớ. Điều này cho phép sinh vật sống không cần phải làm mọi thứ lại từ đầu mỗi lần nó lặp lại việc nào đó. Trí nhớ có thể là sự kiện, địa điểm và các hành vi như các phương pháp săn bắt và hái lượm,...
Cấp độ 3: Khả năng rút kinh nghiệm
Một sự nâng cấp của trí nhớ chính là khả năng rút kinh nghiệm. Có những việc cần phải lặp đi lặp lại mới có thể thành thạo như bay lượn chẳng hạn.
Đây là 3 cấp độ cơ bản của trí thông minh. Tuy nhiên, ở cấp độ này dễ bị nhầm lẫn với bản năng sinh tồn. Điển hình như nấm nhầy, tuy là một sinh vật đơn bào nhưng lại có hành vi giống động vật, mặc dù không hề có não nhưng vẫn có thể “học” cách định hướng di chuyển để tìm kiếm thức ăn.
Nấm nhầy là sinh vật đơn bào nhưng lại có hành vi giống động vật.
Khi được đặt trong một mê cung, nấm nhầy khám phá xung quanh và đánh dấu những khu vực đã đi qua bằng các vệt chất nhờn, cứ thế nó tránh các lối mòn đã đi và tiếp tục tìm đường đến thức ăn thay vì cứ đâm đầu vào ngõ cụt. Nhờ hành vi này mà nấm nhầy tiết kiệm được thời gian và sức lực. Tuy nhiên hành vi này chỉ được các nhà khoa học xem là bản năng chứ không phải là trí thông minh.
Một ví dụ điển hình nhất cho trí thông minh cấp độ cơ bản chính là loài ong. Các nhà khoa học huấn luyện ong nghệ di chuyển một quả bóng màu vào lỗ và phần thưởng là một giọt mật. Đây là một việc ngoài bản năng tự nhiên nhưng loài ong không chỉ giỏi mà còn làm việc hiệu quả. Khi có nhiều quả bóng, chúng sẽ chọn quả bóng gần lỗ nhất để đẩy vào trước kể cả khi nó có màu khác với quả được dùng để huấn luyện.
Các nhà khoa học huấn luyện ong nghệ.
Cấp độ 4: Khả năng tích lũy kiến thức
Với những vấn đề phức tạp hơn thì 3 khả năng cơ bản ở trên cần được nâng cấp và kết hợp lại với nhau. Ngoài việc ghi nhớ, còn phải xâu chuỗi lại các thông tin đã thu thập và biết cách áp dụng vào từng tình huống riêng biệt.
Lấy ví dụ như là gấu mèo, chúng rất thích thức ăn của con người và để tiếp cận được loại thức ăn yêu thích này, chúng cần các kỹ năng, lý thuyết lẫn thực tiễn, thứ giúp chúng trở thành bậc thầy trộm cắp có khả năng mở cửa sổ hay phá khóa nhà bạn.
Gấu mèo rất thích thức ăn của con người và để tiếp cận được loại thức ăn yêu thích này.
Trong một nghiên cứu, gấu mèo được đưa cho nhiều hộp thức ăn và khóa bởi các loại khóa khác nhau như là khóa vặn, chốt then, chốt gài, tay cầm và thật ngạc nhiên, chúng chỉ cần không quá 10 lần thử để tìm ra cách mở mỗi loại khóa này. Một năm sau, những con gấu mèo này vẫn nhớ được cách mở hộp và vẫn nhanh như vừa mới hôm qua.
Cấp độ 5: Khả năng sáng tạo
Vượt qua việc tích lũy kiến thức chính là sự sáng tạo. Ở cấp độ này, không chỉ sử dụng những thứ sẵn có mà còn có thể nghĩ ra những giải pháp độc đáo để giải quyết vấn đề.
Ví dụ điển hình như loài linh trưởng dùng gậy để bắt mối ở trong cây, hoặc một số loài bạch tuộc nhặt vỏ ốc tạo thành ngôi nhà di động để lẩn trốn kẻ thù. Tổ tiên con người cũng dùng khả năng sáng tạo để chế tạo ra các dụng cụ bằng đá nhằm phục vụ đời sống.
Loài linh trưởng dùng gậy để bắt mối ở trong cây.
Cấp độ 6: Khả năng lên kế hoạch
Đây là khả năng cao cấp của trí thông minh trong việc giải quyết vấn đề. Khả năng lên kế hoạch cho phép cân nhắc và sắp xếp những hoạt động cần thiết để đạt được kết quả mong muốn, kèm theo những hành động dự phòng khi trường hợp không lường trước xuất hiện.
Ví dụ của hành vi thông minh này là tích trữ thức ăn ở sóc, chúng sử dụng khả năng tư duy nâng cao để đi đến quyết định ăn ngay những hạt không thể để lâu và dự trữ những hạt chưa chín. Khi chúng cảm thấy bị theo dõi, chúng sẽ giả vờ như đang chôn thức ăn và đào một cái hố trống để đánh lạc hướng những con sóc khác.
Sóc dùng khả năng tư duy nâng cao để đi đến quyết định ăn ngay những hạt không thể để lâu.
Cấp độ 7: Khả năng hợp tác
Không một ai có thể tự xây dựng những tòa nhà chọc trời hay một con tàu vũ trụ nhưng nhờ khả năng hợp tác và chia sẻ kiến thức qua nhiều thế hệ, chúng ta có thể vượt qua thách thức, điều mà một cá nhân không thể làm được.
Để có được trí thông minh như con người ngày nay, không thể nào chỉ sở hữu 1 trong 7 khả năng này mà phải vận dụng thuần thục cả 7 khả năng một cách linh hoạt vào giải quyết vấn đề. Chưa hết, sau khi sử dụng 7 khả năng này thuần thục, con người tiếp tục khai phá những khả năng mới như giao tiếp, ngôn ngữ, âm nhạc, hình học, màu sắc, toán học,... cứ thế ngày càng nhiều khả năng mới dần được khai phá!