Trung Quốc cấy ghép thành công nội tạng lợn trên khỉ
Các nhà khoa học tại Bệnh viên Tây Kinh đã cấy ghép nhiều cơ quan nội tạng từ một con lợn vào 4 con khỉ, ba trong số đó sống sót đến nay.
Trong cuộc phẫu thuật kéo dài 14 tiếng vào ngày 16/10, một nhóm gồm 20 chuyên gia đã tiến hành ghép gan, thận, tim, giác mạc, da và xương từ một con lợn biến đổi gene vào 4 con khỉ tại Bệnh viện Tây Kinh thuộc Đại học Y khoa Không quân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Tính đến ngày 1/11, ba trong số các con khỉ đã ở trong tình trạng ổn định, trong khi con còn lại chết vào hôm 30/10.
Các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành cấy ghép nội tạng từ lợn sang khỉ hôm 16/10. (Ảnh: CSTN)
Đây là lần đầu tiên nhiều cơ quan và mô từ một cá thể động vật có vú được cấy ghép cho nhiều cá thể thuộc một loài khác cùng lúc, đánh dấu một bước tiến lớn trong nghiên cứu ghép tạng nhằm giải quyết tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng cho con người, theo một thông cáo từ Bệnh viện Tây Kinh.
Với những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật, các chuyên gia cho biết ghép tạng đã trở thành một phần của phương pháp điều trị thông thường đối với nhiều bệnh, với tỷ lệ sống lâu dài và chất lượng sống của bệnh nhân được cải thiện.
Tuy nhiên, thiếu hụt người hiến tặng đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của quy trình y tế cứu người. Theo các chuyên gia, lợn biến đổi gene được coi là nguồn hiến tặng lý tưởng nhất cho kỹ thuật cấy ghép dị loài xenotransplantation (ghép các tế bào, mô và cơ quan sống từ loài này sang loài khác).
Thành công của ca phẫu thuật mới nhất mở rộng ứng dụng lâm sàng của xenotransplantation và cung cấp dữ liệu khoa học để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng, theo Giáo sư Dou Kefeng tại Bệnh viện Tây Kinh, bác sĩ chính của ca phẫu thuật.
Dou cho biết con lợn biến đổi gene đã được loại bỏ ba gene để tránh gây ra tình trạng thải ghép ở động vật nhận tạng. Ba gene của con người cũng được thêm vào bộ gene của lợn để giải quyết bất kỳ rối loạn nào liên quan đến máu và giảm thiệt hại cho các cơ quan được cấy ghép.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong việc áp dụng xenotransplantation vào việc cấy ghép nội tạng người. Việc chỉnh sửa gene cần được thiết kế chính xác để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan khác nhau và cũng cần sử dụng thêm thuốc ức chế miễn dịch cho người nhận, điều này sẽ làm tăng tác dụng phụ. Một số chất ức chế miễn dịch quan trọng được sử dụng trong các thí nghiệm trên động vật đã không được chấp thuận cho ứng dụng lâm sàng trên người.
Cũng có những lo ngại về việc liệu vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng từ lợn có thể xâm nhập vào cơ thể người và gây nhiễm trùng, mặc dù các bằng chứng cho thấy những vấn đề như vậy có thể tránh được.
"Nếu bệnh nhân có lựa chọn điều trị tốt hơn, họ cũng không thích hợp với các thí nghiệm lâm sàng như vậy", Dou đồng thời cho biết thêm rằng nên tiến hành thêm nhiều thí nghiệm trên các loài linh trưởng không phải người để thu thập dữ liệu đầy đủ và ổn định, nhằm đưa ra các phác đồ chỉnh sửa gene và ức chế miễn dịch lý tưởng nhất.
"Cấy ghép xenotransplantation không chỉ mở rộng nguồn nội tạng và mô hiến tặng mà còn là một bước đột phá lớn trong phát triển y tế. Nó sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của nhiều công nghệ sinh học mới, và cuối cùng mang lại lợi ích cho con người", Dou nhấn mạnh.
Vào tháng 9/2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học New York đã cấy ghép thận từ một con lợn biến đổi gene cho một người chết não lâm sàng với sự đồng ý của gia đình cô. Quả thận này đã hoạt động trong 54 giờ và không có dấu hiệu bị cơ thể từ chối. Cùng năm đó, nhiều thử nghiệm ghép thận lợn cho người cũng được tiến hành tại Mỹ.
Vào tháng 1/2022, một người đàn ông 57 tuổi đã được ghép tim lợn biến đổi gene sau một cuộc phẫu thuật chưa từng có tiền lệ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland của Mỹ. Tuy nhiên, người này đã chết sau hai tháng phẫu thuật.
- Ung thư thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Rái cá "hai ngón", trộm hơn 100 con cá Koi khiến chủ nhà khóc không ra nước mắt
- Phát hiện hơn 20 dấu chân hóa thạch của rùa tại miền Đông Trung Quốc