Trung Quốc công bố 4 đột phá về khảo cổ học
Các phát hiện mới tại 4 khu khảo cổ ở Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về những nền văn minh đầu tiên tại nước này, giới chức Trung Quốc cho hay.
Mặt nạ vàng từ thời nhà Thương được khai quật tại thành phố Trịnh Châu, tình Hà Nam. (Ảnh: CGTN).
South China Morning Post ngày 2/10 đưa tin Cục Quản lý Di sản văn hóa Quốc gia Trung Quốc (NCHA) vừa công bố những phát hiện đột phá tại 4 địa điểm khảo cổ giúp tăng thêm hiểu biết về hai triều đại nhà Hạ và nhà Thương, được cho là những nền văn minh đầu tiên ở Trung Quốc.
Nền văn minh nhà Hạ (vào khoảng năm 2070-1600 trước Công nguyên) thường được gọi là triều đại đầu tiên của Trung Quốc, mặc dù bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh này chủ yếu tới từ quá trình khảo cổ và nguồn cổ văn thứ cấp.
Trong khi đó, nhà Thương (năm 1600-1046 trước Công nguyên) là nền văn minh Trung Quốc đầu tiên được ghi chép trong lịch sử.
Phát hiện đầu tiên là vào hồi tháng 9, các nhà khảo cổ ở tỉnh Hà Nam tìm thấy chiếc mặt nạ vàng được cho là thuộc thời nhà Thương, là cổ vật nổi bật nhất được tìm thấy trong đợt khai quật, bên cạnh 200 cổ vật quý bằng đồng và bằng ngọc khác.
Mặt nạ này được cho là có niên đại lâu hơn mặt nạ vàng được tìm thấy ở khu di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên. Mặt nạ thời nhà Thương được tìm thấy trong lăng mộ của một quý tộc và được cho là đã dùng trong đám tang.
Ảnh chụp khu khảo cổ là lăng mộ thời nhà Thương ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: CGTN).
Phát hiện thứ hai là tại khu khảo cổ Nhị Lý Đầu - vốn được xem là bằng chứng rõ nhất chứng minh triều nhà Hạ đã tồn tại, giới khoa học đã khám phá được kiến trúc của thành phố, bao gồm các tuyến đường được xem như "xa lộ cổ đại" cùng vỉa hè cho người đi bộ thời xưa.
"Mục đích của đợt khai quật là khám phá hệ thống tại thủ phủ trong thời kỳ cổ đại, nền kinh tế và các nghi thức", đài CGTN dẫn lời NCHA nói.
Thứ ba là kiến trúc công sự phòng thủ của nền văn minh Trung Quốc cổ đại được phát hiện ở thành phố Houchengzui, Nội Mông. Theo NCHA, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai lối đi ngầm cùng một con hào, được cho là do người ở nền văn minh cổ đại xây dựng để tấn công hay phòng thủ.
Cuối cùng, khu khảo cổ ở tỉnh Sơn Tây, có niên đại gần 4.000 năm trước, được cho là biên giới giữa miền Tây và miền Trung Trung Quốc cổ đại. Đây cũng là khu định cư Long Sơn lâu đời, nằm dọc theo sông Hoàng Hà ở Sơn Tây. Văn hóa Long Sơn thuộc nền văn minh ban đầu tại Trung Quốc, nổi tiếng với nghề làm gốm.
- Cá mập "quái vật" 455 triệu tuổi ở Trung Quốc là... tổ tiên chúng ta?
- "Tái sinh" thiếu nữ xuyên không từ thế giới 31.000 năm trước
- Tim thấy hóa thạch quái vật mình rắn mặt cá sấu cổ đại