Trung Quốc cứu thành công hồ nước mặn lớn nhất
Các nỗ lực của nhà chức trách Trung Quốc nhằm cứu hồ nước mặn lớn nhất quốc gia này đã bước đầu thành công khi các số liệu đo đạc cho thấy diện tích bề mặt hồ tăng dần trong tám năm qua.
Theo số liệu đo đạc bằng vệ tinh do Viện Khoa học Khí tượng tỉnh Thanh Hải công bố ngày 29/7, diện tích hồ nước mặn Thanh Hải ở tỉnh Tây Bắc này đã tăng thêm 14,58km2 so với năm ngoái, lên tới 4.354,28km2 và đây là diện tích lớn nhất của hồ trong 12 năm qua.
Hồ Thanh Hải
Phó Giám đốc Viện Khoa học Khí tượng tỉnh Thanh Hải, ông Chu Bính Vinh cho biết các nhà khoa học đã theo dõi sự thay đổi diện tích bề mặt hồ từ năm 2001, thời điểm diện tích hồ bị thu nhỏ do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và các tác động của con người.
Kết quả đo đạc được các nhà khoa học công bố hai lần mỗi năm, vào thời điểm trong và sau mùa lũ tháng Bảy và tháng Chín.
Theo ông Chu Bính Vinh, từ năm 2005, nhờ mưa nhiều và các hoạt động bảo vệ môi trường như tăng diện tích đồng cỏ, giảm diện tích đất trồng trọt để bảo tồn các loại thực vật và rừng cao nguyên, lượng nước đổ vào hồ đã tăng đáng kể.
Đặc biệt trong mùa hè năm nay, lượng mưa trung bình tại khu vực này khá cao, gần gấp đôi so với năm 2011.
Kết quả một cuộc điều tra chính thức cho thấy trong năm 2008, diện tích của hồ đạt 4.317km2, tăng thêm 132km2 so với năm 2004.
Hồ Thanh Hải nằm ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, từng bị thu nhỏ diện tích từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng giờ đây đang dần được khôi phục nhờ vào các nỗ lực bảo vệ của con người.