Trung Quốc giới thiệu thuốc trị ung thư rẻ hơn nhiều so với Mỹ
Cách để Bắc Kinh hiện thực hóa giấc mơ về ngành công nghiệp dược phẩm đẳng cấp thế giới: cạnh tranh về giá.
Các công ty phương Tây năm ngoái đã bắt đầu bán thuốc trị ung thư vô cùng hot có tên gọi chất ức chế PD-1 và quảng cáo khá rầm rộ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì chinh phục nhanh chóng thị trường đại lục này, các nhà sản xuất thuốc Mỹ Merck & và Bristol-Myers Squibb đã phải đối mặt với một thách thức bất ngờ: các đối thủ cạnh tranh bản địa. Các công ty Trung Quốc đang giới thiệu liệu pháp điều trị ung thư dựa trên các chất ức chế PD-1, sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại các khối u, tại thị trường nội địa. Giải pháp của các công ty này có giá thấp hơn rất nhiều, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm của các nhà sản xuất đến từ Mỹ. Và tham vọng của họ còn vượt xa khỏi đại lục, một số công ty dự định bán thuốc tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Việc phát triển các loại thuốc PD-1 đánh dấu bước đột phá đầu tiên của ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc với các phương pháp điều trị phức tạp. Đồng thời, việc này cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Bắc Kinh để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt thuốc cũng như các kênh hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Việc phát triển ngành dược phẩm đẳng cấp thế giới là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh định rõ ngành công nghiệp dược phẩm là một trong 10 ngành sẽ có những đột phá công nghệ, cùng với hàng không, xe điện và thiết bị đường sắt tiên tiến.
Cách mà các công ty Trung Quốc dự kiến xâm nhập thị trường đó là cạnh tranh về giá. Công ty Junshi Bioscatics Thượng Hải đã bán thuốc có tên gọi Tuoyi tại Trung Quốc tháng 12 năm ngoái với giá 187.000 nhân dân tệ (khoảng 631 triệu VND) để điều trị bệnh ung thư da melanoma trong vòng 1 năm. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm của Merck's Keytruda tại Trung Quốc, với cùng tác dụng trong cùng khoảng thời gian điều trị.
Các công ty Trung Quốc cho biết thuốc của họ khác về cấu trúc so với sản phẩm của các công ty Mỹ. "Chúng tôi hoàn toàn tự tin về bản quyền sáng chế của mình trên toàn thế giới", Wu Xiaobin, chủ tịch của BeiGene – công ty đã xin phê duyệt cho thuốc PD-1 tại Trung Quốc cho biết. "Chúng tôi đã chuẩn bị tốt về vấn đề này bởi chúng tôi luôn có kế hoạch vươn ra toàn cầu".
Công ty Innovent Biologics (trụ sở tại Giang Tô) được cấp phép bởi ông lớn dược phẩm Hoa Kỳ Eli Lilly & Co, cũng bán PD-1 tại Trung Quốc với giá rẻ hơn 2 thương hiệu nước ngoài.
Các công ty công nghệ sinh học khác của Trung Quốc cũng đang chuẩn bị xâm nhập thị trường trong và ngoài nước. Công ty dược phẩm Giang Tô Hengrui, một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Trung Quốc cho biết hôm 31/5, thuốc PD-1 của hãng đã được phê duyệt. "PD-1 đang là đỉnh cao của khoa học và làm thay đổi việc điều trị ung thư", Brad Loncar, một nhà đầu tư công nghệ sinh học và giám đốc điều hành tại Loncar Investments tại Lenexa, Kan cho biết. Do đó, việc các công ty Trung Quốc tập trung vào các loại thuốc này không chỉ tạo nên sự thay đổi điều trị ung thư tại Trung Quốc mà còn có ý nghĩa trên toàn cầu.
"Các công ty nước ngoài đang tìm cách cấp phép thuốc Trung Quốc trên toàn cầu", Lin Lijun, người sáng lập Loyalty Valley Capital (trụ sở tại Thượng Hải), cũng đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc bao gồm Junshi, cho biết. Ngành công nghiệp y tế Trung Quốc đã và đang được hưởng lợi từ nguồn tài trợ tăng lên cũng như việc các nhà khoa học nước nhà trở về nước sau khi có gặt hái được kinh nghiệm ở nước ngoài. Ngoài ra, nhiều loại thuốc mới được sản xuất bởi các công ty trong và ngoài nước hiện cũng đã được phê duyệt.
Trung Quốc còn khá mới mẻ trong việc phát triển các loại thuốc tân tiến. Do đó, việc quản lý an toàn và hiệu quả của thuốc vẫn là một vấn đề, chuyên gia phân tích Zhang Jialin cho biết. Các công ty Trung Quốc cho biết các thử nghiệm cho thấy thuốc của họ an toàn và một số công ty đang theo đuổi những nghiên cứu lớn hơn.
Được phê duyệt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2014, PD-1 đã tăng khả năng sống sót cho nhiều bệnh nhân ung thư. Mặc dù Trung Quốc ước tính mỗi năm xuất hiện mới khoảng 4 triệu bệnh nhân ung thư thì PD-1 chưa thực sự phổ biến tại quốc gia này. Các loại thuốc như vậy sẽ chỉ mang lại 170 triệu USD doanh số bán hàng của Trung Quốc vào năm 2019, theo ước tính của Frost & Sullivan. Doanh số toàn cầu cho các liệu pháp này dự kiến sẽ tăng lên 78,9 tỷ USD vào năm 2030, trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 1/5.
Hiện tại, chưa có thuốc PD-1 nội địa hay nhập khẩu nào thuộc danh sách bảo hiểm y tế công cộng của Trung Quốc, do đó bệnh nhân ung thư sẽ tự chi trả bằng tiền túi. Điều này tương đối khó khăn đối với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người là 28.228 nhân dân tệ (khoảng 95 triệu VND). Các công ty sẵn sàng giảm giá sản phẩm để có tên trong danh sách hỗ trợ của chính phủ, Giám đốc điều hành Junshi Li Ning cho biết.
Cuộc chạy đua cũng cho thấy những thách thức mới đối với các công ty dược phẩm nước ngoài tại Trung Quốc, thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới. Các loại thuốc PD-1 của Bristol-Myers và Merck ở Trung Quốc đã rẻ hơn rất nhiều so với tại Mỹ. Tạp chí Global Oncology Express (Trung Quốc) ước tính một lọ Keytruda được bán với giá 17.918 nhân dân tệ ở Trung Quốc, có giá khoảng 33.000 nhân dân tệ tại Mỹ. Và cả hai công ty Mỹ đều cho biết họ có các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân thu nhập thấp ở Trung Quốc.
Bristol-Myers cho biết những nỗ lực chung của các công ty trong và ngoài nước sẽ giúp giải quyết các nhu cầu về thuốc cho bệnh nhân tại Trung Quốc. MSD cho biết Keytruda - liệu pháp PD-1 duy nhất được phê duyệt tại Trung Quốc (điều trị melanoma và ung thư phổi) được định vị khát tốt, một phần bởi những công ty tham gia thị trường sau đó phải đối mặt với nhiều rào cản hơn.
Ronald Ede, giám đốc tài chính của Creativeent, cho biết ông từng thấy các nhà sản xuất thuốc bản địa giành về 85% thị trường từ các đối thủ toàn cầu cho một loại thuốc hoặc thiết bị y tế chỉ trong vài năm. Điều này cũng sẽ xảy ra với thị trường PD-1, và thậm chí còn nhanh hơn, ông dự đoán.