Trung Quốc muốn đứng đầu thế giới về khoa học
Trung Quốc đề ra mục tiêu vượt Mỹ và châu Âu để trở thành nước đứng đầu thế giới về khoa học, các nhà nghiên cứu tuyên bố tại một hội thảo tại Mỹ hôm qua.
Ảnh minh họa
Sau khi trở thành nguồn cung cấp hàng giá rẻ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ. Đó là nhận định chung của các nhà khoa học tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học cao cấp Mỹ tại thành phố Washington hôm 18/2, AFP cho biết.
“Trung Quốc hy vọng trở thành một trong những nước cung cấp tài sản trí tuệ hàng đầu trong những năm tới”, Denis Simon, giáo sư của Đại học Penn tại Mỹ, phát biểu. Simon hiện là cố vấn công nghệ của Thị thưởng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Mục tiêu của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu đều giảm ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học do kinh tế khủng hoảng. Simon khẳng định, Trung Quốc đã tăng đáng kể ngân sách dành cho các cơ sở nghiên cứu.
“Giới chức Trung Quốc khẳng định họ sẽ chi khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học trước năm 2020”, Simon nói.
Trong khi đó thì tại Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa muốn giảm ngân sách dành cho Viện Sức khỏe quốc gia, cơ sở nghiên cứu y tế lớn nhất thế giới, và nhiều cơ quan nghiên cứu khác để giảm thâm hụt ngân sách. Động thái này trái ngược với chủ trương tăng ngân sách cho khoa học mà Tổng thống Barack Obama đề xuất trong dự thảo ngân sách dành cho năm 2012.
Phe Cộng hòa cũng muốn giảm 5 tỷ USD dành cho giáo dục, mặc dù Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan cảnh báo Mỹ phải nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là trong các bộ môn toán và khoa học, nếu không muốn thế hệ tương lai mất ưu thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Một báo cáo được công bố vào năm ngoái cho thấy Mỹ đã tụt từ vị trí thứ hai xuống thứ 13 trong danh sách 34 nước có số lượng sinh viên đại học cao nhất thế giới.
Caroline Wagner, một giáo sư của Đại học Penn tại Mỹ, nhận định số lượng nhà nghiên cứu tại Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ do ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc vào trường đại học. Số lượng nhà nghiên cứu càng lớn thì số lượng công trình nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu càng tăng.
Số lượng công trình nghiên cứu chất lượng cao tại Trung Quốc cũng tăng mạnh mẽ. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc thực sự nghiêm túc trong tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu về khoa học. Một kết quả nghiên cứu được coi là có chất lượng cao khi nó thường xuyên được trích dẫn trong các công trình khác. Số lượng công trình nghiên cứu của Trung Quốc được trích dẫn ngày càng tăng, trong khi số lượng nghiên cứu được trích dẫn của Mỹ và châu Âu có xu hướng giảm dần.
Về số lượng nghiên cứu, Trung Quốc công bố nhiều công trình hơn Mỹ trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ.
Hiện tại Mỹ vẫn là nước công bố nhiều nghiên cứu nhất thế giới.
“Căn cứ vào tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ trở thành nước công bố nhiều công trình nghiên cứu nhất thế giới trong mọi lĩnh vực”, Wagner dự đoán.