Trung Quốc phát triển robot rắn có khả năng nghiền vụn vệ tinh trên không gian

Với thiết kế thân rắn bao gồm các phân đoạn nhỏ có thể tháo rời và hoạt động như một robot độc lập, cỗ máy này có thể len lỏi những góc hẹp nhất trên không gian.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhóm nghiên cứu Trung Quốc đứng sau dự án cho biết nhóm này đã phát triển một cỗ máy robot với hình dạng thân rắn có sức mạnh, độ linh hoạt và tuổi thọ chưa từng có để khám phá không gian. Phát minh này được giới thiệu trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về khả năng Trung Quốc làm hỏng vệ tinh của các quốc gia khác.

Trung Quốc phát triển robot rắn có khả năng nghiền vụn vệ tinh trên không gian
Mô phỏng hình ảnh cánh tay robot vươn rộng hoạt động trong không gian. (Ảnh: Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trường Xuân)

Robot mới có độ dài 1,5 mét, gắn vào tàu vũ trụ và bao gồm chín đoạn, mỗi đoạn có khả năng tạo ra mô-men xoắn 190 Newton mét – gấp đôi công suất của một chiếc xe máy 1.200 phân khối. Các khớp nối giữa các đoạn có thể xoắn và xoay rộng rãi, cho phép robot vượt qua môi trường phức tạp để đến những khe hẹp nhất của trạm vũ trụ hoặc vệ tinh mà các phi hành gia hoặc cánh tay robot hiện nay không thể tiếp cận.

Về mặt lý thuyết, khi robot gặp bất kỳ trục trặc nào hoặc các đoạn bị hỏng, chúng có thể dễ dàng được thay thế bằng đoạn nối mới, cho phép tuổi thọ hoạt động của robot lên tới vô thời hạn.

“Công việc sửa chữa vệ tinh, tàu vũ trụ trong môi trường không gian phức tạp tiêu hao rất nhiều nhân lực và vật liệu". Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Xu Zhenbang thuộc phòng thí nghiệm hệ thống quang học không gian tại Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trường Xuân (Trung Quốc), viết trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí công nghệ robot hồi tháng trước.

Giáo sư Xu và các đồng nghiệp cho biết các robot có thể phối hợp với nhau và hoạt động như những xúc tu để di chuyển hoặc điều khiển một vật thể lớn.

Tháng trước, vệ tinh Shijian 21 của Trung Quốc đã kéo một vệ tinh Bắc Đẩu không còn hoạt động lên cao, tới quỹ đạo nghĩa địa dành cho các vệ tinh chết. Mặc dù thông tin chi tiết vẫn được giữ kín, nhưng sứ mệnh thành công đã cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ trong tay công nghệ robot tiên tiến giúp theo dõi và kiểm soát mục tiêu không hợp tác trong không gian.

Nhiều nước đã bày tỏ những lo ngại cho  rằng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ tương tự để vô hiệu hóa vệ tinh của các nước. Quân đội Mỹ quan ngại về khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc, đặc biệt là Shijian 17 - một tàu thăm dò thử nghiệm được lắp cánh tay robot đã tiến hành các hoạt động bất thường sau khi phóng lên quỹ đạo vào 2016.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc khẳng định công nghệ robot không gian của nước mình được phát triển chỉ nhằm mục đích hòa bình, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phục vụ tàu vũ trụ hoặc vệ tinh trên quỹ đạo và loại bỏ rác thải không gian.

Trong một sách trắng được công bố vào tháng này, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch biến việc dọn dẹp rác không gian thành một công việc kinh doanh thu lợi nhuận trong vòng 5 năm.

Trước đây, robot rắn được sử dụng để kiểm tra cáp quang dưới biển và thực hiện các nhiệm vụ khác, song do những thách thức về kỹ thuật, hiện vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào về việc sử dụng chúng trong không gian.

Trong cỗ máy do Viện Trường Xuân phát triển, mỗi phân đoạn là một robot độc lập và có động cơ, bộ truyền động, bộ xử lý và bộ cảm biến riêng.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi phân đoạn cần liên kết với nhau, phối hợp mọi chuyển động để hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu hỗ trợ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Giáo sư Xu cho hay nhóm nghiên sẽ cải tiến hơn nữa con robot trước khi đưa vào vũ trụ. Cụ thể, một số thành phần làm bằng hợp kim kim loại sẽ được nâng cấp thành sợi carbon để giảm trọng lượng.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Xu cho biết họ đã thử nghiệm loại robot này trong các nhiệm vụ mô phỏng trên mặt đất, bao gồm khám phá lãnh thổ không xác định.  Tại đó, robot xác định các khoảng trống, tiến vào không gian hẹp và điều chỉnh các phân đoạn một cách linh hoạt để tránh tiếp xúc với các chướng ngại vật trong khi di chuyển về phía trước.

Một nhà khoa học làm việc tại Bắc Kinh nói con robot đủ mạnh đến mức có thể nghiền nát một vệ tinh nhỏ như “trăn siết chặt mồi”. Song nhà khoa học giấu tên này cho rằng việc tiết lộ công khai cỗ máy robot này cho thấy Trung Quốc chưa có kế hoạch sử dụng nó như một loại vũ khí.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
NASA chụp được những hình ảnh tuyệt đẹp đầu tiên về bề mặt sao Kim

NASA chụp được những hình ảnh tuyệt đẹp đầu tiên về bề mặt sao Kim

Những hình ảnh tuyệt đẹp do Tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA chụp lại đã mang lại cái nhìn thấy đầu tiên về bề mặt nóng đỏ của sao Kim.

Đăng ngày: 16/02/2022
Hành tinh sáng như kim cương bay cạnh

Hành tinh sáng như kim cương bay cạnh "Trái đất 2 mặt có sự sống"

Hệ sao gần chúng ta nhất Proxima Centauri tiếp tục hé lộ một hành tinh thứ 3 bí ẩn.

Đăng ngày: 16/02/2022
Khối sự sống hình thành trong mây vũ trụ rồi rơi xuống Trái đất

Khối sự sống hình thành trong mây vũ trụ rồi rơi xuống Trái đất

Các nhà khoa học Đức đã tái hiện sự kiện bí ẩn 4 tỉ năm trước giúp Trái đất của chúng ta có sự sống.

Đăng ngày: 16/02/2022
Phi hành gia bị tiêu chảy, phân bay trong tàu vũ trụ và những chuyện NASA chưa bao giờ kể

Phi hành gia bị tiêu chảy, phân bay trong tàu vũ trụ và những chuyện NASA chưa bao giờ kể

Có thể bạn chưa biết, phân của các phi hành gia sẽ được thả vào khí quyển và chúng sẽ cháy như sao băng.

Đăng ngày: 15/02/2022
Chiêm ngưỡng ốc đảo hình trái tim nhìn từ vũ trụ

Chiêm ngưỡng ốc đảo hình trái tim nhìn từ vũ trụ

Phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế chụp ảnh ốc đảo rộng hơn 1.200 km2 với hình dạng độc đáo giữa sa mạc.

Đăng ngày: 15/02/2022

"Xác sống vũ trụ" vừa sinh ra hành tinh có thể sống được

Hành tinh gây sốc vẫn đang ẩn nấp trong các mảnh vụn cấu trúc mặt trăng quanh một ngôi sao lùn trắng cách chúng ta 118 năm ánh sáng.

Đăng ngày: 15/02/2022
Phát hiện lõi trong Trái đất ở trạng thái siêu ion

Phát hiện lõi trong Trái đất ở trạng thái siêu ion

Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng lõi trong cùng của Trái Đất không phải ở trạng thái rắn bình thường mà là trạng thái siêu ion.

Đăng ngày: 14/02/2022
Tiêu điểm
Khoa Học News