Trung Quốc phóng máy bay vũ trụ tối mật lên quỹ đạo

Tên lửa Trường Chinh 2F chở máy bay vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền hôm 14/12 để tiến hành thí nghiệm khoa học.


Mô phỏng máy bay vũ trụ tái sử dụng Thần Long của Trung Quốc. (Ảnh: Ilkha).

Lần phóng máy bay vũ trụ mới nhất diễn ra chỉ 7 tháng sau nhiệm vụ gần nhất của phương tiện, nhanh hơn nhiều so với hai lần phóng đầu tiên diễn ra cách nhau 23 tháng, theo SpaceNews. Ngoài thí nghiệm khoa học, máy bay vũ trụ của Trung Quốc còn hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng không gian vì mục đích hòa bình.

Vì giờ trước buổi phóng ở Tửu Tuyền, SpaceX hoãn cất cánh máy bay vũ trụ tái sử dụng X-37B của Lực lượng không gian Mỹ, thậm chí dời tên lửa Falcon Heavy khỏi bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy. Nhiệm vụ có tên USSF-52 bị hủy hôm 13/12 để tiến hành kiểm tra thêm hệ thống. Lý do chính xác cho lần trì hoãn này và ngày phóng mới vẫn chưa được tiết lộ.

Tương tự X-37B, thông tin xung quanh máy bay vũ trụ tái sử dụng có biệt danh Thần Long rất ít ỏi. Máy bay này dường như được sử dụng để thử nghiệm thiết bị mới và hoạt động trên quỹ đạo. Phương tiện phóng theo phương thẳng đứng trên tên lửa, thực hiện nhiệm vụ, sau đó hạ cánh theo phương ngang trên đường băng giống tàu con thoi của Mỹ. Theo Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Đại học Harvard chuyên theo dõi các vụ phóng tên lửa và hoạt động trong không gian, cả X-37B và Thần Long đều có khối lượng trong khoảng 5 - 8 tấn và dài 10 m.

Chuyến bay đầu tiên của Thần Long kéo dài hai ngày và chuyến bay thứ hai kéo dài khoảng 9 tháng, trong đó phương tiện giải phóng một vật thể chưa xác định vào quỹ đạo. Đó có thể là vệ tinh nhỏ được thiết kế để theo dõi Thần Long hoặc module dịch vụ không còn cần thiết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất