Trung Quốc phóng thành công tàu lấy mẫu vật Mặt trăng

Tàu tự lái Hằng Nga 5 cất cánh 3h30 sáng ngày 24/11 theo giờ Hà Nội từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam trên tên lửa Trường Chinh 5.


Tàu vũ trụ nặng 8.200kg sẽ tiến vào quỹ đạo Mặt trăng hôm 28/11.

Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, tàu Hằng Nga 5 sẽ đưa mẫu vật Mặt trăng trở lại Trái đất vào giữa tháng 12. Tàu vũ trụ nặng 8.200kg sẽ tiến vào quỹ đạo Mặt trăng hôm 28/11. Tàu sẽ triển khai 2 trong số 4 module gồm một trạm đổ bộ và phương tiện cất cánh trên bề mặt Mặt trăng sau một ngày. Nhiệm vụ sẽ tiếp cận khu vực Mons Rumker thuộc vùng lòng chảo núi lửa khổng lồ Oceanus Procellarum, từng được khám phá trong nhiều nhiệm vụ trước đó, bao gồm Apollo 12 của NASA năm 1969.

Trạm đổ bộ ở nguyên tại chỗ sẽ nghiên cứu môi trường xung quanh bằng camera, radar xuyên đất và quang phổ kế. Nhưng nhiệm vụ chính của trạm là thu thập 2 kg vật chất từ Mặt trăng, một phần mẫu vật đòi hỏi đào sâu 2 m dưới lòng đất. Trạm sẽ tiến hành công việc trong 2 tuần, tương đương một ngày Mặt trăng do hoạt động bằng năng lượng mặt trời và không thể vận hành khi màn đêm bao trùm khu vực. Mons Rumker chứa đất đá hình thành cách đây 1,2 tỷ năm. Nhiệm vụ Hằng Nga 5 sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm những gì xảy ra ở cuối lịch sử của Mặt trăng, cũng như quá trình tiến hóa của Trái đất và hệ Mặt Trời, theo tổ chức phi lợi nhuận Planetary Society.

Trạm đổ bộ Hằng Nga 5 sẽ giao mẫu vật cho phương tiện cất cánh để phóng lên quỹ đạo Mặt trăng, tiếp cận hai thiết bị còn lại là module dịch vụ và khoang hồi quyển. Vật chất Mặt trăng sẽ được đưa vào khoang hồi quyển, sau đó module dịch vụ sẽ kéo khoang này về Trái đất và thả xuống trước khi hạ cánh vào ngày 16 hoặc 17/12. Tàu Hằng Nga 5 sẽ đáp xuống vùng Nội Mông, nơi tàu Thần Châu có người lái của Trung Quốc từng sử dụng để tiếp đất.

Hằng Nga 5 là nỗ lực mang mẫu vật về Trái đất đầu tiên của Trung Quốc và nhiệm vụ thứ 6 trong chương trình khám phá Mặt trăng không người lái Hằng Nga. Trung Quốc đã phóng tàu bay quanh quỹ đạo Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2 vào các năm 2007 và 2010, tiếp đó là tàu chở trạm đổ bộ - robot tự hành Hằng Nga 3, hạ cánh trên Mặt trăng vào tháng 12/2013. Nhiệm vụ Hằng Nga 5T1 phóng nguyên mẫu khoang hồi quyển trong chuyến bay 8 ngày quanh Mặt trăng hồi tháng 10/2014 để giúp chuẩn bị tàu Hằng Nga 5. Tháng 1/2019, tàu Hằng Nga 4 trở thành nhiệm vụ đầu tiên hạ cánh nhẹ nhàng ở vùng tối của Mặt trăng.


Tên lửa Trường Chinh 5 đưa tàu Hằng Nga 5 rời khỏi Trái đất. (Video: CNSA).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất