Trung Quốc sở hữu một thứ có khả năng đe dọa sự thống trị suốt nhiều thập kỷ của Mỹ
Đến tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến hệ thống này tới khoảng 200 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Thời điểm hiện tại, GPS là hệ thống định vị vệ tinh lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới với 6 tỷ người dùng. GPS (thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ) ban đầu được thiết kế như một công cụ quân sự và được sử dụng cho những việc như dẫn đường tên lửa và vận hành máy bay không người lái. Theo thời gian, công nghệ này đã trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống của mọi người.
Hiện tại, GPS là hệ thống định vị vệ tinh lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi nhất.
Tuy nhiên, Mỹ không phải quốc gia duy nhất sở hữu hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình. Trong khi Nga có hệ thống GLONASS và Liên minh châu Âu có Galileo, Trung Quốc sở hữu Bắc Đẩu (Beidou) – hệ thống được đánh giá là có khả năng đe dọa sự thống trị suốt nhiều thập kỷ của GPS.
Theo CNBC, vệ tinh Bắc Đẩu đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2019, hệ thống định vị Bắc Đẩu đã được áp dụng trên gần 6,6 triệu xe taxi, xe buýt và xe tải trên khắp Trung Quốc. Hơn 2.900 thiết bị dẫn đường hàng hải tại quốc gia này cũng sử dụng dịch vụ của Bắc Đẩu.
Đến cuối năm 2021, hệ thống đã được lắp đặt trên hơn 7,8 triệu phương tiện vận tải đường bộ ở Trung Quốc. Trong khi đó, khoảng 8.000 thiết bị đầu cuối của Bắc Đẩu đã được sử dụng trên mạng lưới đường sắt và hơn 100.000 máy nông nghiệp được trang bị hệ thống tự lái dựa trên hệ thống này.
Không những vậy, Bắc Đẩu còn giúp đất nước tỷ dân tăng cường tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Đến tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến hệ thống này tới khoảng 200 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát triển hệ thống Bắc Đẩu vào cuối những năm 1990 để giảm bớt sự phụ thuộc của quân đội vào GPS của Mỹ. Bắc Đẩu đạt được cột mốc quan trọng đầu tiên vào năm 2000, khi các vệ tinh được phóng lên không gian và bao phủ khắp Trung Quốc.
Hệ thống Bắc Đẩu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nông nghiệp. (Ảnh: TechTimes).
Sau đó, Bắc Đẩu bắt đầu cung cấp dịch vụ để sử dụng trong các hoạt động quân sự, quản lý giao thông và hoạt động của cảnh sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012, khi nhu cầu về các thiết bị kết nối tăng cao.
Hệ thống Bắc Đẩu hoàn thành việc phủ sóng toàn cầu vào năm 2020. Kể từ đó, Trung Quốc đã tăng tốc mở rộng các ứng dụng cho mục đích dân sự. Họ cũng đang chuẩn bị xây dựng hệ thống BDS-4 thế hệ tiếp theo vào năm 2035 với độ chính xác cao hơn và phạm vi tiếp cận toàn cầu.
Tính đến tháng 1/2023, 1,5 tỷ thiết bị thông minh trên toàn cầu đã được liên kết với Bắc Đẩu và khoảng 98% điện thoại thông minh bán ra ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 được trang bị tính năng điều hướng Bắc Đẩu.
Cùng sự kết hợp với những công nghệ tiên tiến như 5G và Internet vạn vật (IoT), Bắc Đẩu được đánh giá là sẽ tạo ra nhiều tính ứng dụng hơn nữa trong giao thông, năng lượng, đánh bắt cá, nông nghiệp, quản lý thành phố và các lĩnh vực khác.
Ví dụ, sự kết hợp giữa Bắc Đẩu và 5G trong các dịch vụ chia sẻ xe đạp đã đem lại sự thuận tiện cho người dùng và hiệu quả cho đơn vị cho thuê. Giám đốc một công ty cho biết mạng lưới của Bắc Đẩu sẽ giúp người dùng đỗ xe có trật tự hơn trong khi các kỹ thuật viên có thể dùng hệ thống để quản lý thông tin phương tiện theo thời gian thực đồng thời xử lý hiệu quả sự cố.
“Trước đây, xe đạp chỉ được trang bị mạng 2G hoặc 3G khiến tín hiệu chập chờn và người dùng gặp khó khăn khi tìm xe hay thanh toán trực tuyến. Việc kết hợp Bắc Đẩu và 5G đã giúp giải quyết vấn đề”, một chuyên gia trong ngành nhận định.