Trung Quốc xây đường hầm dẫn nước từ đập Tam Hiệp tới Bắc Kinh

Trung Quốc đã khởi động dự án đào đường hầm mới để đưa nước từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh trong khuôn khổ kế hoạch cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ dẫn nước từ đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, ra sông Hán Thủy, một nhánh chính của sông Trường Giang.

Đến hồ chứa Đan Giang Khẩu ở hạ lưu sông Hán Thủy, nước sẽ chảy về phía bắc đến tận Bắc Kinh qua đường giữa của Dự án Chuyển hướng nước Nam - Bắc. Đường giữa của dự án là một kênh đào dài 1.400km.

Theo dự kiến, đường hầm mất một thập kỷ để xây dựng và tiêu tốn khoảng 60 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8,9 tỷ USD), theo Guangming Daily, một tờ báo có trụ sở tại Bắc Kinh. Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ dài khoảng 240km và nằm sâu 1.000m dưới lòng đất.


Hình ảnh thể hiện vị trí của đường hầm Yinjiangbuhan. Các đường màu đỏ thể hiện các đường hầm, kênh dẫn nước đang được xây dựng hoặc đã lên kế hoạch xây dựng ở Trung Quốc. (Ảnh: Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc).

Niu Xinqiang, Chủ tịch Viện Khảo sát, Quy hoạch, Thiết kế và Nghiên cứu Trường Giang cho biết: “Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ thiết lập một kết nối vật lý giữa đập Tam Hiệp và Dự án chuyển hướng nước Nam - Bắc, hai cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc”.

Zhang Xiangwei, người đứng đầu bộ phận kế hoạch của Bộ Tài nguyên nước, cho biết dự án Yinjiangbuhan là "sự mở màn" cho các dự án khác.

Trả lời Guangming Daily, ông cho biết cơ sở hạ tầng dẫn nước của Trung Quốc “vẫn chưa hoàn thiện nếu bạn nhìn vào bản thiết kế dài hạn”. “Sẽ có nhiều dự án tiếp theo để mở rộng và củng cố các mạng lưới cấp nước chính trên toàn quốc”.

Liang Shumin, nhà nghiên cứu về kinh tế và phát triển của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết tổng chiều dài của các đường hầm và kênh đào đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch dẫn nước ở Trung Quốc có thể lên tới gần 20.000km. Khoảng cách này tương đương với một chuyến đi khứ hồi từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Seattle (Mỹ).

Tài nguyên nước của Trung Quốc được phân bố không đồng đều. Phía đông và nam của nước này thường xuyên bị lũ lụt. Ngược lại, tình trạng thiếu nước lại xuất hiện ở các khu vực phía tây và phía bắc.

Sự suy thoái của nền kinh tế do đại dịch đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, theo South China Morning Post.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất