Tại sao chúng ta hình thành những ký ức sai lệch?
Hầu hết chúng ta muốn tin rằng mình có trí nhớ tốt. Không kể đến những lần quên chìa khóa để đâu, kỉ niệm ngày cưới, hay số điện thoại của ai đó đặc biệt, liệu khi nhắc đến những điều quan trọng, chẳng hạn một sự kiện của thời thơ ấu thì kí ức của chúng ta có chính xác và đáng tin?
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng trí nhớ con người mong manh như thế nào. Chúng ta rất dễ mắc phải sai sót và những gợi ý nhỏ có thể kích hoạt những ký ức sai lệch. Những người có trí nhớ xuất chúng vẫn có thể tự tạo ra ký ức của mình mà không hề nhận ra.
Nghiên cứu
Đôi khi chính những ký ức cũ cản trở hoặc làm thay đổi những ký ức mới của chúng ta. (Ảnh minh họa).
Trong một thí nghiệm nổi tiếng thực hiện vào năm 1995, chuyên gia trí nhớ Elizabeth Loftus đã khiến 25% những người tham gia tin vào một ký ức sai lệch rằng họ từng bị lạc trong một trung tâm thương mại khi còn nhỏ. Một nghiên cứu khác vào năm 2002 chỉ ra rằng nửa số người tham gia bị dẫn dắt và khiến bản thân họ tin rằng hồi bé, mình đã từng ngồi khinh khí cầu bằng cách cho họ xem những bức ảnh ngụy tạo bằng chứng.
Mặc dù những ký ức sai này hầu hết xoay quanh những sự kiện nhỏ nhặt và ít để lại hậu quả nhưng đôi khi, chúng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn một trí nhớ sai được chuyển tiếp trong lời khai tội phạm có thể khiến luật pháp kết tội sai một người vô tội. Vậy tại sao những kí ức không chính xác này lại hình thành?
Nhận thức không chính xác
Nhận thức của con người không hoàn hảo. Đôi khi chúng ta nhìn thấy những điều không có ở đó và bỏ lỡ những điều hiển nhiên ngay trước mắt. Trong nhiều trường hợp, ký ức sai hình thành do thông tin không được mã hóa chính xác ngay từ đầu. Ví dụ, một người có thể chứng kiến một vụ tai nạn nhưng không có cái nhìn rõ ràng về mọi thứ đã xảy ra.
Việc kể lại các sự kiện đã xảy ra có thể khó khăn hoặc thậm chí bất khả thi vì họ không thực sự chứng kiến tất cả các chi tiết. Tâm trí của một người có thể lấp đầy các “khoảng trống” bằng cách hình thành những ký ức không thực sự xảy ra.
Suy luận
Trong các trường hợp khác, những kỷ niệm và trải nghiệm cũ xảy ra xung đột với thông tin mới hơn. Đôi khi chính những ký ức cũ cản trở hoặc làm thay đổi những ký ức mới của chúng ta. Và trong những tình huống khác, thông tin mới có thể khiến chúng ta khó nhớ nhưng thông tin đã lưu trữ trước đó. Khi ghép thông tin cũ lại với nhau, thi thoảng sẽ có những lỗ hổng trong bộ nhớ của chúng ta.
Tâm trí của chúng ta cố gắng lấp đầy những khoảng trống, thường là bằng kiến thức hiện tại cũng như niềm tin hoặc kỳ vọng.
Chẳng hạn, người ta có thể nhớ rõ ràng mình đã ở đâu và làm gì trong vụ khủng bố 11 tháng 9. Mặc dù bạn có thể cảm thấy ký ức của mình về sự kiện này khá chính xác, nhưng rất có khả năng hồi ức của bạn đã bị ảnh hưởng bởi tin tức và câu chuyện về những cuộc tấn công sau đó.
Thông tin mới này cạnh tranh với những kí ức đã có của bạn về sự kiện hoặc điền vào đó những thông tin còn thiếu.
Đôi khi những cảm xúc mạnh mẽ có thể làm cho một trải nghiệm đáng nhớ hơn. (Ảnh: Henry Kunjumon | Dribbble).
Cảm xúc
Nếu bạn từng cố gắng nhớ lại các chi tiết của một sự kiện liên quan đến cảm xúc (ví dụ: một cuộc tranh cãi, một tai nạn, một ca cấp cứu), có lẽ bạn sẽ nhận ra ra rằng cảm xúc có thể phá hủy trí nhớ của bạn. Đôi khi những cảm xúc mạnh mẽ có thể làm cho một trải nghiệm đáng nhớ hơn, nhưng đôi khi chúng có thể dẫn đến những ký ức sai lệch hoặc không đáng tin.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người có xu hướng nhớ các sự kiện liên quan đến cảm xúc mạnh mẽ hơn, nhưng các chi tiết của những ký ức như vậy thường bị nghi ngờ. Kể lại những sự kiện quan trọng cũng có thể dẫn đến niềm tin sai lầm về độ chính xác của trí nhớ.
Thông tin sai lệch
Đôi khi thông tin chính xác bị trộn lẫn với thông tin sai lệch làm biến dạng ký ức của chúng ta về các sự kiện. Loftus đã nghiên cứu về ký ức sai lệch từ những năm 1970 và công trình của bà đã chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng mà những thông tin này có thể gây ra đối với trí nhớ. Những người tham gia nghiên cứu của bà được cho xem hình ảnh của một vụ tai nạn giao thông.
Khi được hỏi về sự kiện sau khi xem ảnh, người phỏng vấn đưa ra những câu hỏi dẫn dắt hoặc thông tin sai lệch. Sau đó, khi kiểm tra trí nhớ của những người tham gia về vụ tai nạn, những người bị cung cấp thông tin sai lệch có nhiều khả năng có ký ức sai về sự kiện hơn.
Tác động tiềm ẩn nghiêm trọng của hiệu ứng thông tin sai lệch này có thể dễ dàng nhận thấy trong tư pháp hình sự khi sự sai lệch dẫn tới sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Brainerd và Reyna (2005) cho rằng những hồi ức sai lệch trong quá trình thẩm vấn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới kết tội sai.
Phân bổ thông tin sai
Bạn đã bao giờ trộn lẫn các chi tiết của câu chuyện này với các chi tiết của câu chuyện khác? Chẳng hạn, khi kể với bạn bè về kỳ nghỉ vừa rồi, bạn có thể liên hệ nhầm một sự việc đã xảy ra trong một kỳ nghỉ từ vài năm trước.
Đây là một ví dụ về việc phân bổ thông tin sai có thể hình thành ký ức sai. Điều này có thể bao gồm việc kết hợp các yếu tố của những sự kiện khác nhau thành một câu chuyện gắn kết, nhớ nhầm về nơi bạn thu thập một phần thông tin cụ thể hoặc thậm chí nhớ lại những sự kiện tưởng tượng từ thời thơ ấu và tin rằng là chúng có thật.
Truy tìm không rõ ràng
Khi hình thành một ký ức, không phải lúc nào chúng ta cũng tập trung vào những chi tiết thực tế mà thay vào đó, chúng ta hay nhớ lại một ấn tượng tổng thể về những gì đã xảy ra. Lý thuyết về những dấu vết không rõ ràng gợi ý rằng đôi khi chúng ta tạo ra những dấu vết nguyên vẹn về sự kiện còn những lần khác chỉ nhớ các ý chính. Dấu vết nguyên vẹn dựa trên các sự kiện thực như chúng đã thực sự xảy ra, trong khi nhớ về ý chính tập trung vào cách giải thích của chúng ta về các sự kiện.
Đôi khi cách chúng ta giải thích thông tin không phản ánh chính xác những gì đã thực sự xảy ra. Những cách giải thích thiên lệch về các sự kiện có thể dẫn đến những ký ức sai lệch về các sự kiện ban đầu.