Trung Quốc xây nhà máy điện từ rác thải lớn nhất thế giới
Chính quyền thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác thải lớn nhất thế giới với công suất đốt 5.000 tấn mỗi ngày.
Theo Science Alert, quá trình đốt có thể chuyển ít nhất 1/3 số rác thành điện năng hữu dụng không phải là phương án tốt nhất cho môi trường do lượng CO2 thải ra, nhưng có thể thu nhỏ diện tích đất đổ rác và số lượng những bãi rác bất hợp pháp đang gia tăng ở Thâm Quyến. Năm ngoái, một trong những bãi đổ rác ở đây từng khiến hàng chục người thiệt mạng khi bất ngờ đổ sụp.
Thiết kế của nhà máy sản xuất điện từ rác thải lớn nhất thế giới ở Trung Quốc. (Ảnh: SHL Architects).
Dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành năm 2020, kế hoạch không tập trung vào sản xuất điện mà hướng đến tìm giải pháp cho vấn đề xử lý rác hiện nay.
Theo Adele Peters ở Fast Company, đơn vị phụ trách thi công, lò đốt rác mới là một trong 300 nhà máy biến rác thành điện mà chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng trong ba năm tới. Dù việc đốt rác gây nhiều tranh cãi về lợi ích đối với môi trường, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng quá trình này.
"Nhà máy biến rác thành điện phải là một giải pháp năng lượng. Chúng là một cách xử lý rác và sử dụng quá trình này để tạo ra điện dưới dạng phụ phẩm. Các thành phố cần phải tiến hành tái chế và giảm lượng rác thải nhiều hơn nữa, cũng như phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo", Chris Hardie ở Schmidt Hammer Lassen Architects, công ty Đan Mạch giành phần thắng trong cuộc thi thiết kế nhà máy, cho biết.
Hardie cũng nhấn mạnh lượng khí nhà kính bốc ra từ các bãi rác đang phân hủy lớn gấp đôi lượng CO2 từ quá trình đốt rác. Phần mái của nhà máy khổng lồ trải rộng khoảng 1,6km sẽ được phủ 44.000m2 pin Mặt Trời. Theo ý tưởng của công ty thiết kế, nhà máy không chỉ phục vụ xử lý rác, mà còn cung cấp nguồn điện sạch và bền vững cho thành phố, đồng thời có thể mở cửa để người dân đến tham quan, nâng cao ý thức về môi trường.