Truy lùng tội phạm bằng... "cái bào phô mai" khổng lồ
Thiết bị được đặt biệt danh khá buồn cười - "chessegrater", tức cái bào phô mai - là một vệ tinh radar siêu hiện đại này có "thiên lý nhãn" nhìn xuyên mây, giúp tóm cổ tội phạm ở những nơi rừng sâu âm u nhất.
Một thiết bị tối tân mang tên NovaSar, sản xuất bởi Surrey Satellite Technology Ltd (Surrey, Anh) theo đặt hàng của chính phủ Anh có khả năng phát hiện các hoạt động buôn lậu trên toàn thế giới, bao gồm những nơi âm u nhất như rừng Amazon ở châu Mỹ.
Tuy là một chiến binh nguy hiểm nhưng nó bị đặt biệt danh khá hài hước là "chessegrater", tức... cái bào phô mai, bởi hình dáng của nó thực sự rất giống dụng cụ này.
Dụng cụ trông như cái bào phô mai khổng lồ này sẽ là mối đe dọa cho lâm tặc và các đường dây buôn lậu - (ảnh: PA).
Theo tiến sĩ Graham Turnock, Giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ Anh, vệ tinh mới này rất nhỏ gọn nhưng được trang bị radar cực kỳ nhạy cảm có khả năng nắm bắt hình ảnh cực kỳ tốt. Nó hoạt động không khác gì một "thiên lý nhãn" quan sát khắp thế giới và có khả năng nhìn xuyên thấu các lớp mây dày đặc nhất.
Một trong các mục tiêu lớn của nó là ngăn chặn các lâm tặc và những chuyến vận chuyển gỗ lậu ở Amazon, khu rừng bí hiểm mà trước giờ mọi hình ảnh từ trên không đều bị che mờ bởi nhiều tầng mây đặc quánh.
Bên trong nhà máy sản xuất ra vệ tinh NovaSar - nơi một người anh em của nó cũng đang dần thành hình - (ảnh: PA).
Ngoài ra, vệ tinh này sẽ theo dõi sát cả các đại dương. Nó sẽ dễ dàng nắm bắt các tàu biển lớn đáng ngờ - không tuân theo các tín hiệu nhận dạng bắt buộc theo luật quốc tế.
Ngoài ra, NovaSar còn là một chiến binh môi trường: nó có thể phát hiện sớm các sự cố tràn dầu, các cơn lũ lụt từ thượng nguồn…, từ đó đưa ra tín hiệu cảnh báo sớm và cung cấp dữ liệu hình ảnh để các chiến dịch xử lý thảm họa được vận hành hiệu quả hơn.
Vệ tinh này vừa rời khỏi trái đất vào ngày 16/9, phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Ấn Độ. Tin buồn thứ hai cho những ai đang toan tính các chuyến vận chuyển mờ ám là người anh em của NovaSar mang tên S1-4, một vệ tinh quang học có độ phân giải cực cao cũng sắp "ra lò".