Từ bản cáo phó "nhầm" tới giải Nobel danh giá
Alfred Nobel có thể đã không suy nghĩ về di sản hay bất cứ giải thưởng nào dành cho đời sau, nếu ông không đọc được bản cáo phó của... chính mình.
Alfred Bernhard Nobel sinh ngày 21/10/1833 tại Stockholm, Thụy Điển trong một gia đình toàn kỹ sư. Con đường đi tới thành công của Nobel trải đầy bi kịch, trong đó có cái chết của em trai ông là Emil Nobel do một vụ nổ ở nhà xưởng của gia đình.
Tai nạn đã thúc đẩy Nobel tìm cách làm cho nitroglycerine an toàn hơn, và sau đó phát minh ra thuốc nổ. Trước đó, theo trang Live Science, bất chấp các cảnh báo an toàn, gia đình Nobel - vốn còn kinh doanh bên cạnh nghiên cứu - vẫn sử dụng chất này trong sản xuất.
Bản cáo phó của chính mình
Năm 1888, Alfred Nobel đọc được cáo phó của... chính mình trên một tờ báo Pháp với dòng chữ "Kẻ buôn cái chết đã qua đời". Người chết lúc đó thật ra là Ludvig Nobel, anh trai Alfred Nobel, nhưng nó cũng làm cho nhà khoa học bất an khi bắt đầu nghĩ về di sản của mình và điều mà nhân loại sẽ nhớ về ông sau cái chết.
Nhà sáng chế, nhà hóa học, kỹ sư người Thụy Điển Alfred Nobel.
Lúc đọc bản cáo phó của chính mình, Nobel 55 tuổi, đã có trong tay hàng trăm bằng sáng chế mà nổi tiếng nhất là phát minh thuốc nổ. Chính thuốc nổ đã mang lại cho ông khối tài sản khổng lồ cùng tên gọi "kẻ buôn cái chết" bên trên. Chưa hết, tờ báo Pháp miêu tả Nobel là người "trở nên giàu có nhờ tìm được cách giết người nhanh hơn bao giờ hết".
Khi Nobel mất tại San Remo, Italy, ngày 10/10/1896, thế giới ngỡ ngàng đọc bản di chúc cuối cùng của ông. Ông dành phần lớn tài sản để vinh danh những người có cống hiến trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình.
Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist. Họ đã lập ra Quỹ Nobel đã quản lý khối tài sản trên và trao giải thưởng.
Số tiền Nobel để lại cho giải thưởng là 31 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1.712 triệu kronor - tức 199 triệu USD - vào thời điểm hiện tại).
Đến nay, người ta vẫn tin rằng chính bản cáo phó của tờ báo Pháp đã đánh thức một con người khác bên trong Nobel, làm sống dậy trong ông khao khát được để lại một di sản có ý nghĩa cho xã hội.
Vì sao không có Nobel Toán học?
Lý do được rất nhiều người tin về sự vắng mặt của giải Nobel Toán học là vì vợ của Nobel ngoại tình với một nhà toán học nên ông "thù dai" không trao giải cho lĩnh vực này. Người được cho có quan hệ tình ái với vợ của Nobel là nhà toán học người Thụy Điển Gosta Mittag-Leffler.
Nhà toán học người Thụy Điển Gosta Mittag-Leffler.
Tuy nhiên, Nobel thật ra chưa từng kết hôn. Ông có một bạn gái người Áo, Sophie Hess, nhưng cũng không có bằng chứng gì cho thấy cô có quan hệ với Mittag-Leffler.
Cũng có giả thiết cho rằng Nobel đơn thuần là không để tâm đến toán học vì đây là môn khoa học lý thuyết hoàn toàn, Nobel có thể cho rằng toán "không mang lại lợi ích cụ thể nào cho nhân loại cả".
Ngoài ra, vào thời điểm Nobel lập di chúc, đã có một giải thưởng về toán học khá nổi tiếng là giải thưởng Scandinavia và có thể Nobel muốn dành số tiền của ông cho những lĩnh vực khác.
Hiện chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục giải thích sự vắng mặt của giải Nobel Toán học. Trong khi đó, giả thiết về sự phá đám của một người phụ nữ lại rất hấp dẫn, nên nó tiếp tục là câu chuyện được truyền miệng nhiều nhất.
Giải Nobel Kinh tế ở đâu ra?
Tên đầy đủ của giải này là Giải thưởng về Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển nhằm tưởng niệm Alfred Nobel. Giải thưởng được sáng lập vào năm 1968, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng trung ương Thụy Điển.
Giải Nobel Kinh tế không phải do Nobel sáng lập, tiền thưởng cũng không lấy từ tiền ông để lại. Tuy nhiên, giải Nobel Kinh tế cũng được công bố cùng đợt với các giải Nobel khác, và trao trong cùng lễ trao giải ở Stockholm, Thụy Điển (trừ giải Nobel Hòa bình trao ở Oslo, Na Uy).