UNESCO công nhận Babylon là Di sản Thế giới
Thành phố cổ Babylon nổi tiếng với vườn treo, tháp Babel và những pháo đài bằng gạch bùn chính thức được công nhận là Di sản Thế giới.
Sau gần ba thập kỷ vận động hành lang của Iraq, thành phố cổ Babylon thuộc nền văn minh Lưỡng Hà đã chính thức được UNESCO công nhận Di sản Thế giới sau cuộc bỏ phiếu hôm 5/7. Thành phố là một khu phức hợp rộng 10km2 nằm dọc theo con sông Euphrates, cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 100km về phía nam.
Babylon từng là thành phố đông dân nhất thế giới. (Ảnh: Learnodo Newtonic).
Babylon được xem là thành phố cổ đông dân nhất thế giới trong giai đoạn 1770 - 1670 TCN và có thể là thành phố đầu tiên trong lịch sử có dân số trên 200.000 người. Thành phố nổi tiếng với những khu vườn treo, tháp Babel, cổng Ishtar, hay những pháo đài bằng gạch bùn.
"Sẽ thật thiếu sót nếu danh sách Di sản Thế giới không có Babylon. Làm thế nào có thể kể về lịch sử nhân loại mà không có chương sớm nhất?", đại diện của phái đoàn Iraq nhấn mạnh trong cuộc bỏ phiếu.
Hình vẽ mô phỏng vườn treo Babylon. (Ảnh: Anomalien).
"Babylon là nền văn minh có chữ viết, chính quyền và sự phát triển khoa học. Việc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của du lịch", Qahtan al-Abeed, người đứng đầu Cục Cổ vật Basra, Iraq cho biết thêm.
Theo Ủy ban Di sản Thế giới, Babylon hiện đang trong tình trạng "cực kỳ dễ bị tổn thương" với nhiều cấu trúc có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, UNESCO không thể đưa địa điểm này vào danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm do vấp phải sự phản đối của Iraq. Thay vào đó, họ sẽ làm việc với chính quyền địa phương để đưa ra kế hoạch và hành động bảo tồn cụ thể.